Chuyên ngành: Dược liệu- Dược học cổ truyền
Mã số: 62.73.10.01
Họ và tên nghiên cứu sinh: Hoàng Quỳnh Hoa
Họ và tên cán bộ hướng dẫn khoa học:
1. PGS. TSKH. Trần Công Khánh
2. GS. TS. Phạm Thanh Kỳ
Cơ sở đào tạo: Trường đại học Dược Hà nội
Tóm tắt những đóng góp mới của luận án:
- Dựa trên phân tích 111 số hiệu tiêu bản thực vật có nguồn gốc từ các phòng tiêu bản trong và ngoài nướcvà được thu hái từ thực địa, luận án đã phân loại và xác định tên khoa học của các loài trong chi Ehretia P. Br. ở miền Bắc Việt Nam, bao gồm: E. acuminata R. Br.; E, asperula Zoll. et Mor.; E. dichotoma Blume; E. dicksonii Hance.; E. laevis Roxb.; E. longiflora Champ. ex Benth. và E. tsangii Johnst. Luận án đã mô tả đầy đủ đặc điểm hình thái, lập khóa phân loại lưỡng phân và bảng khóa mở của 7 loài thuộc chi Ehretia P. Br. ở miền Bắc Việt Nam và lần đầu tiên công bố đặc điểm vi phẫu cành và lá của 7 loài này. Luận án đã kiểm tra về mặt phân loại một loài mang tên “Xạ đen” mọc ở Hòa Bình và khẳng định tên khoa học là Ehretia asperula Zoll. et Mor.
- Qua điều tra tri thức sử dụng của cộng đồng, luận án đã liệt kê được 7 chứng/bệnh được nhắc đến trong quá trình sử dụng các loài trong chi Ehretia P. Br. ở miền Bắc Việt Nam là sốt nóng, ung bướu, dị ứng mẩn ngứa, hậu sản, ỉa chảy, bệnh về gan và đau xương. Trong đó, cách dùng chữa bệnh về gan được nhắc tới nhiều nhất, sau đó là u bướu hoặc hậu sản. Ngoài ra, đã xác định được 7/8 bộ phận (trừ hoa) của dược liệu được nhân dân sử dụng làm thuốc, trong đó vỏ thân của Cườm rụng hoa dài (Ehretia longiflora Champ.) và lá hoặc toàn cây trên mặt đất của Xạ đen(E. asperula Zoll. et Mor.) được sử dụng nhiều nhất. Đồng thời kết quả điều tra cho thấy nhân dân địa phương có bốn cách sử dụng cây thuốc thuộc chi Ehretia P. Br., trong đó phổ biến nhất là sắc với nước uống và ít dùng nhất là cách đắp lá tươi.
- Về tác dụng sinh học và độc tính cấp, luận án đã xác định được mẫu lá E. acuminata R. Br. liều 3 g/kg và vỏ thân E. longiflora Champ. ex Benth. ở 2 liều 3g/kg và 9g/kg đều có tác dụng cải thiện chức năng gan, làm giảm hoạt độ ALT tương ứng là 55,6% , 34,0% và 30,5% trên mô hình gây độc cho gan bằng paracetamol. Mẫu lá E. tsangii thể hiện tác dụng cải thiện chức năng gan kém hơn so với 2 loài trên. Dịch chiết methanol của lá E. acuminata R. Br. và vỏ thân E. longiflora Champ. ex Benth. có tác dụng ức chế tế bào ung thư gan với tỷ lệ tế bào sống sót là 50,23 ± 0,25 % và 45,12 ± 0,20 %, giá trị IC 50 tương ứng là 20 và 18 μg/ml. Các mẫu cao lỏng lá E. acuminata R. Br.; vỏ thân E. longiflora Champ. ex Benth. và lá E. tsangii Johnst. không có độc tính khi thử bằng đường uống với liều tối đa mà chuột có thể dung nạp được và tương ứng cao gấp 300, 100 và 120 lần so với liều thường dùng, chứng tỏ dược liệu có độ an toàn cao.
- Về thành phần hóa học, đã xác định được trong cành và lá bốn loài E. acuminata R. Br., E. longiflora Champ. ex Benth., E. tsangii Johnst. và E. asperula Zoll. et Mor. đều có flavonoid; tanin; acid amin; đường khử. Riêng sterol có ở lá E. acuminata R. Br. và thân E. longiflora Champ. ex Benth., saponin chỉ có ở lá E. acuminata R. Br. Từ vỏ thân E. longiflora Champ. ex Benth. đã phân lập được 8 hợp chất, trong đó có 4 hợp chất lần đầu tiên phân lập được từ chi Ehretia P. Br. là ergosterol peroxide, menisdaurin, (+)-lyoniresinol và (+)-lyoniresinol 3a-O-b-D-glucopyranosid) và 4 hợp chất lần đầu tiên phân lập được từ loài E. longiflora Champ. ex Benth. là b-sitosterol, acid ursolic, daucosterol và acid rosmarinic.
- Lần đầu tiên xác định acid rosmarinic (EL8) có tác dụng ức chế tế bào ung thư gan Hep-G2 in vitro với IC50 là 0,5 μg/ml.
Xác nhận của tập thể cán bộ hướng dẫn
PGS. TSKH. Trần Công Khánh GS. TS. Phạm Thanh Kỳ |
Nghiên cứu sinh
Hoàng Quỳnh Hoa |
|