Tóm lược quá trình hình thành và phát triển Bộ môn Bào chế
(01/11/2011)
Tiền thân của trường Đại học Y Dược Hà Nội là trường Đại học Y khoa Đông Dương ra đời từ năm 1902 do Bác sĩ Yersin làm Hiệu trưởng. Khi mới thành lập, trường chỉ mới đào tạo Y sĩ. Đến năm 1914 Ban Dược được hình thành để đào tạo Dược sĩ trung học (Dược sĩ Đông dương) và đến năm 1926 bắt đầu được giao nhiệm vụ đào tạo Dược sĩ đại học (Dược sĩ hạng nhất).
Đến ngày 8/2/1935, Toàn quyền Đông Dương ký sắc lệnh cho phép Trường Y dược Đông Dương thành lập 4 Bộ môn Dược, trong đó có Bộ môn Bào chế - Hoá sinh (Chaire de Pharmacie et de Chimie biologique).
Sau Cách mạng Tháng 8, Chính phủ lâm thời nước ta tiếp quản Trường Đại học Y Dược Đông Dương đổi tên thành Trường Đại học Y Dược Hà Nội do Bác sĩ Hồ Đắc Di làm Hiệu trưởng. Tháng 11 năm 1945 trường đã khai giảng khoá học đầu tiên dưới chính thể Việt Nam - Dân chủ - Cộng hoà. Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trường Đại học Y Dược Hà Nội sơ tán lên chiến khu Việt Bắc tiếp tục sự nghiệp đào tạo và phục vụ chiến đấu. Ở Hà Nội, thực dân Pháp vẫn duy trì Trường Đại học Y Dược Đông Dương, trong đó có Bộ môn Bào chế do DS Vũ Ngọc Trân làm chủ nhiệm.
Hoà bình lập lại, Trường Đại học Y Dược Việt Bắc trở về tiếp quản Trường Đại học Y Dược Đông Dương. Năm 1955, Bộ Y tế cho phép Trường Đại học Y Dược Hà Nội thành lập 6 Bộ môn Dược, trong đó có Bộ môn Bào chế do DS Huỳnh Quang Đại làm chủ nhiệm Bộ môn.
Như vậy, nếu coi Bộ môn Bào chế - Hoá sinh (ra đời năm 1935 trong Trường Đại học Y dược Đông dương) là tiền thân của Bộ môn Bào chế thì đến năm 2005, Bộ môn đã có lịch sử 70 năm tham gia đào tạo dược sĩ. Nếu tính từ khi thành lập năm 1955 trong Trường Đại học Y Dược Hà Nội, thì Bộ môn đã có lịch sử 50 năm xây dựng và phát triển.
Sau ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trường Đại học Y Dược Hà Nội sơ tán lên chiến khu Việt Bắc tiếp tục sự nghiệp đào tạo cán bộ y dược. Việc đào tạo bác sĩ được tiến hành ở Chiêm Hoá thuộc tỉnh Tuyên Quang. Đào tạo dược sĩ được giao cho Ban quân huấn dược đại học thành lập năm 1948 tại Phú Bình tỉnh Thái Nguyên do DS Nguyễn Trọng Bính làm giám đốc. Từ năm 1949 Tiến sĩ dược khoa Trương Công Quyền gia nhập quân y thay DS Nguyễn Trọng Bính làm giám đốc.
Từ năm 1950 đến 1953, Ban Dược đào tạo được 4 khoá đại học với trên 30 dược sĩ tốt nghiệp và một số lớp dược sĩ trung học. Tham gia giảng dạy lúc đó chủ yếu là TS Trương Công Quyền, DS Vũ Công Thuyết, DS Huỳnh Quang Đại, DS Đỗ Tất Lợi. Sinh viên là những người đang học dở dang ở Hà Nội đi tham gia kháng chiến, mỗi năm về trường học tập trung vài ba tháng rồi lại tiếp tục về đơn vị phục vụ chiến đấu với tinh thần tự học là chính.
Hoà bình lập lại, theo bước đoàn quân giải phóng thủ đô, Trường Đại học Y Dược Việt Bắc về tiếp quản Trường Đại học Y Dược Đông Dương. Khoa Dược lúc đó chỉ còn 5 dược sĩ lưu dung ở lại tiếp tục công tác và 30 sinh viên đang học dở các khoá. Tháng 11 năm 1954, Trường Đại học Y Dược Hà Nội đã khai giảng khoá học đầu tiên trong hoà bình.
Năm 1955, trường đại học Y Dược có 11 thầy thuốc được Nhà nước đã phong hàm giáo sư trong đó về Dược có GS Trương Công Quyền. DS Huỳnh Quang Đại và DS Đỗ Tất Lợi được công nhận chức danh giảng viên. GS Trương Công Quyền được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hà Nội trực tiếp phụ trách Ban Dược.
Tiếp theo, Ban Dược thành lập sáu Bộ môn, đó là các Bộ môn: Vật lý - Toán - Hoá lý, Hoá đại cương - Vô cơ - Phân tích, Hoá hữu cơ - Hoá dược, Thực vật - Dược liệu, Dược chính - Bảo quản và Bào chế. Đây là cơ sở quan trọng ban đầu để hình thành Trường Đại học Dược Hà Nội về sau.
Để từng bước xây dựng trường Đại học Dược Hà Nội, từ 1955 đến 1957, Bộ Y tế đã mời một số chuyên gia Liên Xô và Rumani sang giúp xây dựng chương trình đào tạo dược sĩ cho từng môn học. Năm học 1960 - 1961, khu ký túc xá 3 tầng ở dốc Thọ Lão dành cho sinh viên Dược cũng đã được hoàn thành.
Trên cơ sở phát triển ổn định của Khoa Dược, ngày 29/9/1961 Bộ Y tế đã có quyết định số 826/BYT-QĐ thành lập Trường Đại học Dược Hà Nội. Ngày 1/10/1963, DS Vũ Công Thuyết, nguyên Cục phó Cục Quân y, được cử làm Hiệu trưởng. Sau hơn 2 năm chuẩn bị, ngày 1/1/1964 Trường Đại học Dược Hà Nội được thành lập. Bộ môn Bào chế chính thức chuyển từ Đại học Y Dược Hà Nội sang Đại học Dược Hà Nội, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của Bộ môn.
Từ 1956 đến 1964 là thời kỳ hình thành và phát triển ổn định của Bộ môn Bào chế, Bộ môn chuyển từ Trường Đại học Y Dược Hà Nội sang Trường Đại học Dược Hà Nội. Giai đoạn này có những đặc điểm như sau:
1.2.2.1. Về diễn biến nhân sự
Khi mới thành lập, Bộ môn chỉ có 6 người, trong đó có 2 dược sĩ đại học (DS Huỳnh Quang Đại, DS Đặng Hồng Vân), 1 dược sĩ trung học (DS Đỗ Quang Hội) và 3 công nhân Dược (Bà Phạm Kim Chung, Bà Phan Thị An và Ông Nguyễn Văn Thích).
DS Huỳnh Quang Đại tốt nghiệp dược sĩ hạng nhất năm 1944, lúc đó là Viện trưởng Viện tiếp tế Quân y, cán bộ giảng dạy kiêm nhiệm của Trường Đại học Y Dược Hà Nội, được cử làm chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn. DS Đặng Hồng Vân, tốt nghiệp dược sĩ năm 1953, lúc đó là Trưởng phòng Dược chính tiếp tế thuộc Vụ Bào chế Cục Quân y, được Bộ Y tế điều về làm giảng viên.
Bà Phạm Kim Chung là công nhân dược từ Việt Bắc trở về cùng Khoa Dược. Ông Nguyễn Văn Thích là công nhân dược thuộc trường Đại học Y Dược Đông Dương ở lại tiếp tục làm việc tại Bộ môn.
Những năm tiếp theo, nhiều cán bộ đã được tăng cường cho Bộ môn: năm 1957 là bà Chu Minh Chung (dược tá) và ông Vũ Thiện Chí (công nhân dược ). Năm 1958 DS Đỗ Minh từ Quân y chuyển sang làm cán bộ giảng dạy. Năm 1959 có DS Nguyễn Bích Yên, bà Nguyễn Kim Chi (dược sĩ trung học), bà Trần Thị Phượng (dược sĩ trung học) và ông Nguyễn Văn Thớ (dược tá). Như vậy, Bộ môn đã có tới 10 người, trong đó có 4 cán bộ giảng dạy. Đến năm 1963 có thêm DS Bùi Long tốt nghiệp khoá 13. Tuy nhiên, bà Phan Thị An, bà Chu Minh Chung, ông Đỗ Quang Hội, ông Nguyễn Bích Yên, ông Vũ thiện Chí, ông Bùi Long chỉ công tác tại Bộ môn một thời gian ngắn rồi chuyển đi: Bà Phan Thị An đi học dược sĩ trung học (1957), bà Chu Minh Chung chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ (năm 1958), ông Đõ Quang Hội đi học hàm thụ (1959) rồi nhận công tác ở bệnh viện Mai Hương, DS Nguyễn Bích Yên chuyển về XNDP 3 Hải Phòng (1965), ông Vũ Thiện Chí chuyển sang XNDP 2 (1968), DS Bùi Long chuyển đến Phòng giáo tài (1964).
Việc giảng dạy lý thuyết những năm đầu chủ yếu do DS Huỳnh Quang Đại đảm nhiệm, ngoài ra có mời DS Trương Xuân Nam giảng một số bài. DS Đặng Hồng Vân và DS Đỗ Minh phụ trách phần thực tập và thực tế.
1.2.2.2. Về cơ sở vật chất
Lúc mới thành lập, Bộ môn chỉ có một phòng làm việc và một phòng thực tập (là phòng thực tập đang sử dụng hiện nay). Phòng làm việc hiện nay lúc đầu dành cho chuyên gia Liên xô (đi cầu thang phía trong từ dưới Thư viện Y học lên). Năm 1957, sau khi chuyên gia về nước phòng này được giao cho Bộ môn. Tuy nhiên, phương tiện, thiết bị phục vụ giảng dạy còn thiếu thốn lạc hậu.
1.2.2.3. Về hoạt động giảng dạy
Khi Bộ môn mới thành lập, số sinh viên không nhiều, chủ yếu là số đang theo học dở dang ở các khoá từ chiến khu và ở nội thành. Từ 1956 - 1959 chỉ có 2 khoá tốt nghiệp vào 1957 (3 sinh viên) và 1959 (17 sinh viên). Từ 1960 - 1964 mỗi năm đã có tới 60 - 70 dược sĩ tốt nghiệp. Năm 1960 Trường mở thêm hệ chuyên tu và hàm thụ. Năm 1961 có một lớp dược sĩ trung học được đào tạo cho Miền Nam.
Những năm này, Bộ môn giảng lý thuyết và thực tập cho sinh viên năm thứ 3 và năm thứ 4 hệ chính quy, năm thứ 2 hệ chuyên tu và hàm thụ, đồng thời hướng dẫn thực hành dược khoa cho sinh viên mới vào trường, hướng dẫn thực tập thực tế bệnh viện cho sinh viên những năm cuối hệ chính quy. Chương trình lý thuyết là 80 tiết học, được chia thành 2 học kỳ. Việc giảng dạy lý thuyết do DS Đặng Hồng Vân và DS Đỗ Minh đảm nhận. Ngoài ra có mời DS Trần Ngọc Bảy giảng về tạng liệu, DS Hoàng Ân giảng về cao - cồn. Nội dung giảng dạy chủ yếu dựa vào các tài liệu chuyên môn có sẵn của Pháp và Anh như: Dorvault, Goris,... Việc thực hành dược khoa của dược 1 chủ yếu do DS nguyễn Bích Yên và về sau là DS Bùi Long đảm nhiệm. Sinh viên thực hành ở các hiệu thuốc như Cửa Nam, Hàng Khay, Đồng Xuân,... và khoa dược bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức,... với sự giúp đỡ hướng dẫn rất nhiệt tình của các dược sĩ sở tại như DS Tạ Ngọc Điều (Hàng Khay), DS Nguyễn Sĩ Dư (Bạch Mai),...
Từ năm 1957, Nhà trường mời chuyên gia Liên xô và Rumani sang giúp các Bộ môn xây dựng chương trình cho các môn học. Chuyên gia Rumani trực tiếp làm việc với Bộ môn là GS Ciulei, một người rất có thiện cảm với Việt Nam. GS Ciulei tự mình mang 2 quyển giáo trình lí thuyết và thực tập bào chế bằng tiếng Rumani sang cho Bộ môn. DS Đặng Hồng Vân rất thành thạo tiếng Pháp, do đó những quyển sách này là những tư liệu rất có giá trị đối với Bộ môn trong việc xây dựng chương trình và nội dung giảng dạy. Một số bài giảng được giáo viên biên soạn in roneo phát cho sinh viên. Số giờ giảng giai đoạn này chưa nhiều, phần lớn sinh viên đều có khả năng ngoại ngữ và tự học tốt. Để đảm bảo nội dung thực tập, những năm đầu, cán bộ Bộ môn đã phải đến các Khoa dược bệnh viên mượn hoặc xin nhượng lại một số hoá chất, thiết bị cơ bản. Cán bộ giảng dạy, ngoài việc lên lớp còn tranh thủ thời gian ngoài giờ để học thêm tiếng Nga. Năm 1957, Bộ môn được tăng cường một số thiết bị do Liên Xô viện trợ như dụng cụ thuỷ tinh, nồi cất nước, thiết bị hầm dược liệu,... Dần dần, việc giảng dạy đã đi vào nề nếp. Ngay từ năm học 1963-1964, Bộ môn đã bắt đầu hướng dẫn công trình tốt nghiệp làm trong 3 tháng cho 2 sinh viên dược 5 được làm luận văn là (Lê Văn Truyền và Phan Kim Dung), làm trong 3 tháng.
1.3.1.1. Bối cảnh lịch sử
Trường Đại học Dược Hà Nội mới được thành lập mấy tháng, đế quốc Mỹ đã bắt đầu leo thang đánh phá Miền Bắc. Để bảo toàn lực lượng cho phát triển lâu dài, Đảng ta chủ trương sơ tán các trường đại học ra khỏi các thành phố lớn. Trường Đại học Dược Hà Nội đã chọn địa điểm sơ tán tại núi rừng Biển động thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Hà Bắc, cách Thủ đô trên một trăm cây số.
Việc di chuyển cả một trường đại học lên nơI sơ tán để tiếp tục đào tạo có chất lượng thực sự là một thử thách to lớn đối với thầy trò và cán bộ công nhân viên Nhà trường và Bộ môn. Tuy nhiên, với khí thế sục sôi “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước” của toàn dân tộc, tòan thể cán bộ đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, khẩn trương bắt tay vào công việc.
Quá trình phấn đấu xây dựng của Bộ môn trong giai đoạn này, hòa mình vào cuộc chiến đầy gian khổ hy sinh những rất đỗi hào huhngf của cả nước
1.3.1.2. Về diễn biến nhân sự
Năm 1964, do yêu cầu phát triển, Bộ môn được nhận thêm 2 dược sĩ vừa tốt nghiệp khoá 14, là DS Lê Văn Truyền và DS Phan Kim Dung. Đây là sự bổ sung lực lượng rất kịp thời cho hoạt động của Bộ môn lên địa điểm sơ tán.
Năm 1966, DS Vũ Công Thuyết được bổ nhiệm thứ trưởng Bộ Y tế và DS Huỳnh Quang Đại thay thế DS Vũ Công Thuyết làm hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội. DS Đặng Hồng Vân phụ trách Bộ môn thay DS Huỳnh Quang Đại. Cuối năm, bà Phạm Kim Chung đi học đại học Dược, 2 dược sĩ mới tốt nghiệp khoá 15 là DS Nguyễn Thị Nghĩa và DS Hoàng Đức Đá về làm cán bộ giảng dạy tại bộ môn.
Cuối năm 1965, DS Đỗ Minh và DS Lê Văn Truyền dẫn đoàn sinh viên năm cuối vào phục vụ chiến đấu ở Quảng Bình. Vừa vào đến thị xã Đồng Hới, thầy trò đã được chứng kiến cảnh máy bay quần đảo, dội bom ở trên đầu. Tuy chưa quen với cảnh bom đạn, nhưng thầy trò vẫn vững tâm bám trụ, tiến hành pha chế dịch truyền dã chiến ngay dưới giao thông hào và tham gia cứu chữa.
Năm 1966, do thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, DS Đỗ Minh được Bộ Y tế điều động đi chuyên gia Mali. DS Lê Văn Truyền được cử đi đào tạo dài hạn tại Rumani. Bổ sung cho sự thiếu hụt lực lượng này, Bộ môn được nhận thêm 3 người: DS Mai Tất Tố tốt nghiệp khoá 16, bà Nguyễn Kim Oanh (dược tá) và bà Nguyễn Thị Tốn (công nhân dược).
Năm 1968, Bộ môn có biến động nhiều về nhân sự: 2 cán bộ đi học: DS Phan Kim Dung đi Hungari, ông Nguyễn Văn Thớ đi học đại học Dược (sau khi tốt nghiệp, DS nguyễn Văn Thớ đã tình nguyện đi B và về sau làm quản đốc phân xưởng XNDP TW 25). Tuy nhiên, Bộ môn lại được nhận thêm 5 cán bộ mới: 3 DS tốt nghiệp khoá 18 (DS Hoàng Đức Chước, DS Nguyễn Thị Nga, DS Ngô Ngọc Trâm), 2 kỹ thuật viên trung học (bà Bùi Thị Bích, bà Nguyễn Thị Đường) và bà Nguyễn Thu Tám dược sĩ trung học. Tổng số đến thời điểm này Bộ môn có 15 cán bộ, trong đó có 9 cán bộ giảng dạy, là một trong những Bộ môn lớn nhất trường. Đến đầu năm 1969, DS Hoàng Đức Đá đi học Hungari.
Về tổ chức Bộ môn, thời kỳ đầu, khi có chủ trương sơ tán, Bộ môn phải phân chia lực lượng ra làm hai nơi: một số lên khu sơ tán triển khai địa điểm mới, số còn lại ở lại Hà Nội để tiếp tục giảng cho sinh viên những năm cuối. Nhân lực thiếu, công việc bề bộn, vất vả, nhưng với tinh thần chống Mỹ cứu nước, tất cả cán bộ trong Bộ môn đã cùng anh chị em sinh viên sắp xếp, phân loại và đóng gói trang thiết bị, hoá chất rồi áp tải hàng vận chuyển lên khu sơ tán và triển khai giảng dạy tại cơ sở mới.
Năm đầu, lực lượng chủ chốt ở khu sơ tán là DS Lê Văn Truyền, DS Phan Kim Dung, DS Hoàng Đức Đá, ông Nguyễn Văn Thớ, ông Nguyễn Văn Thích, DS Nguyễn Thị Nghĩa... Về sau là DS Mai Tất Tố, DS Hoàng Đức Chước, DS Ngô Ngọc Trâm, DS Nguyễn Thị Nga, bà Nguyễn Kim Oanh, bà Nguyễn Thị Tám, bà Nguyễn Thị Đường, bà Bùi Thị Bích. Do hoàn cảnh gia đình con nhỏ, nên DS Đặng Hồng Vân khi có giờ giảng hoặc có giờ họp mới lên khu sơ tán. Công việc Bộ môn được uỷ nhiệm cho DS Mai Tất Tố điều hành.
Về tổ chức Đảng, sau khi thành lập trường, Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất trường Đại học Dược Hà Nội năm 1965 đã bầu Bà Nguyễn Thị Hà Tường hiệu phó làm Bí thư đảng uỷ. Do số lượng đảng viên chưa nhiều nên nhiều chi bộ là chi bộ ghép đảng viên của nhiều Bộ môn. Lúc đó, tại địa điểm sơ tán, Bộ môn có 2 đảng viên là DS Hoàng Đức Đá và DS Mai Tất Tố (vào Đảng năm 1966), sinh hoạt ghép với chi bộ Dược chính - Bào chế do DS Trương Xuân Nam làm Bí thư chi bộ.
1.3.1.3. Về cơ sở vật chất
Ở khu sơ tán, Bộ môn được bố trí tại Khối Ba ở Hố Thùng cùng với một số Bộ môn nghiệp vụ khác như Hoá dược, Dược lý, Sinh hoá, Dược chính - Bảo quản,... Cơ sở gồm hai nhà ở tập thể (một nhà nam, một nhà nữ ) và một phòng thực tập
Khi mới đến cơ sở mới, anh chị em trong Bộ môn đã phải bắt tay ngay vào việc hoàn thiện nơi ăn chốn ở, phòng thí nghiệm: làm lại nền nhà, sân, đường đi, ngăn phòng ở, làm công trình vệ sinh, đào hầm trú ẩn, tìm đất tăng gia cải thiện đời sống... Phòng thí nghiệm, công trình vệ sinh và vườn sắn của Bộ môn được xếp vào loại hàng đầu của trường.
Ở nơi sơ tán, cuộc sống gian khổ, thiếu thốn nhưng rất đầm ấm, chân thành, anh chị em trong Bộ môn gần gũi, thương yêu nhau như trong một gia đình.
1.3.1.4. Về hoạt động giảng dạy
Giai đoạn sơ tán cũng là giai đoạn Nhà trường mở rộng quy mô đào tạo, chuẩn bị nguồn cán bộ cho công cuộc giải phóng Miền Nam. Từ 1965 - 1969 số lượng tuyển sinh đạt 300 - 600/năm, không qua thi tuyển đầu vào, khoảng 20 sinh viên mới có 1 cán bộ giảng dạy. Từ năm học 1966-1967, trường bắt đầu đào tạo theo chuyên khoa, trong đó chuyên khoa Bào chế - Dược chính là chuyên khoa đông nhất, chiếm khoảng 70% tổng số sinh viên. Các Bộ môn cũng được tổ chức theo khoa và Bộ môn Bào chế trở thành Bộ môn đầu ngành của Khoa Bào chế –Dược chính.
Do mở rộng quy mô đào tạo nên nhiệm vụ giảng dạy của Bộ môn giai đoạn này rất nặng nề. Bộ môn phải giảng cho nhiều đối tượng: chính quy, chuyên tu, hàm thụ, trung cấp (lớp Nam Hà, lớp Quảng Bình), hướng dẫn sinh viên làm luận văn tốt nghiệp và giảng cho cả Đại học Quân y. Cán bộ giảng dạy mới ra trường đã giảng lý thuyết. Phòng thực tập tại khu sơ tán phải hoạt động cả ngày chủ nhật. Tuy nhiên, do không đủ phương tiện giảng dạy nên nội dung thực tập cũng được giản hoá đi cho phù hợp với hoàn cảnh thời chiến. Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, Bộ môn đã cùng nhau đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sau thất bại Mậu thân 1968, đế quốc Mỹ buộc phải ném bom hạn chế Miền Bắc. Giữa năm 1969, theo chủ trương chung, Trường được rút dần khỏi khu sơ tán về Hà Nội. Cuộc chia tay diễn ra lưu luyến giữa cán bộ, sinh viên Nhà trường với bà con dân bản địa phương.
1.3.2.1. Bối cảnh lịch sử
1.3.2.2. Về diễn biến nhân sự
Về nhân sự, giai đoạn này cũng có nhiều biến động.
Năm 1969, bà Nguyễn Thị Tốn chuyển về Phòng giáo tài, bà Trần Thị Phượng chuyển về Bộ môn Công nghiệp dược. Bộ môn nhận thêm DS Nguyễn Thị Năm tốt nghiệp khoá 1969 về làm giảng viên.
Năm 1970, DS Đỗ Minh chuyển về Thư viện, DS nguyễn Thị Nghĩa chuyển đến bệnh viện Saint Pault (về sau DS Nguyễn Thị Nghĩa chuyển vào Bộ môn Bào chế, ĐH Y-Dược thành phố Hồ Chí Minh, làm chủ nhiêm Bộ môn). DS Phạm Kim Chung tốt nghiệp Đại học Dược quay về Bộ môn phụ trách công tác giáo tài. Bộ môn nhận thêm 2 cán bộ là DS Nguyễn Khắc Thân tốt nghiệp khoá 16, từ Bộ môn Thực hành dược khoa chuyển sang (do Nhà trường giải thể Bộ môn này và sát nhập vào Bộ môn Bào chế) và DS Võ Xuân Minh tốt nghiệp khoá 20.
Năm 1971, Tổ nghiên cứu chuyên đề “Dạng bào chế từ dược liệu Việt Nam” đặt tại Bộ môn do DS Đặng Hồng Vân phụ trách được thành lập. DS Phạm Kim Chung được phân công làm cán bộ nghiên cứu chuyên trách. DS Nguyễn Tường Vân tốt nghiệp khoá 18 cũng từ trường Trung cấp dược Hải Dương chuyển về tổ nghiên cứu. DS Lê Văn Truyền tốt nghiệp phó tiến sĩ ở Rumani quay về Bộ môn tiếp tục giảng dạy. PTS Lê Văn Truyền thuộc lớp Phó tiến sĩ đầu tiên của Nhà trường và Bộ môn.
Năm 1972, do yêu cầu công tác, Nhà trường điều động DS Mai Tất Tố sang tăng cường cho Bộ môn Dược lực (về sau là PGS, TS. trưởng Bộ môn dược lực và Bí thư đảng uỷ nhà trường). DS Phan Kim Dung là thực tập sinh từ Hungari trở về. DS Đỗ Minh từ Thư viện quay lại Bộ môn.
Năm 1973, DS Nguyễn Khắc Thân được Nhà trường cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc để đào tạo cán bộ giảng dạy Mác - Lê nin (về sau ở lại Trường Nguyễn Ái Quốc, là GS, Trưởng khoa và mất vì bệnh năm 2004). DS Trần Ngọc Hân tốt nghiệp khoá 23 được tuyển về Bộ môn. DS Đặng Hồng Vân được Bộ Y tế cử đi tham quan học tập ở Ba Lan 6 tháng cùng với DS Mai Long Bộ môn Hoá lý.
Năm 1974 là năm có nhiều thay đổi về đội ngũ cán bộ: 2 DSTH Nguyễn Kim Chi và Nguyễn Thu Tám được đi học đại học Dược. Thay vào đó, Bộ môn nhận 3 cán bộ do Nhà trường điều động: DS Phạm Ngọc Bùng, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp năm 1970 và Đại học Dược năm 1973, cán bộ giảng dạy Bộ môn Hoá lý. DS Trần An Tường tốt nghiệp khoá 21 cán bộ Bệnh viện E và DS Nguyễn Văn Long tốt nghiệp khoá 19, là thương binh, cán bộ giảng dạy Bộ môn Hoá Vô cơ. Biên chế Bộ môn lúc này lên đến 19 người, trong đó có 12giảng viên, 3 cán bộ nghiên cứu và 4 kỹ thuật viên.
Về tổ chức Đảng và đoàn thể quần chúng: Năm 1972 DS Nguyễn Thị Nga được kết nạp vào Đảng lớp đảng viên Hồ Chí Minh. Năm 1973, Chi bộ kết nạp thêm PTS Lê Văn Truyền và DS Nguyễn Khắc Thân hình thành nên tổ đảng Bào chế do DS Võ Xuân Minh (vào Đảng năm 1967) làm tổ trưởng, sinh hoạt trong chi bộ Dược chính - Bào chế do DS Trương Xuân Nam làm bí thư. Tổ trưởng công đoàn là DS Ngô Ngọc Trâm, DS Nguyễn Khắc Thân. Bí thư phân đoàn cán bộ là DS Nguyễn Thị Nga. DS Đặng Hồng Vân, chủ nhiệm Bộ môn là người luôn biết phát huy trí tuệ tập thể, thường tổ chức họp “bộ tứ ” và rất lắng nghe, tôn trọng ý kiến của “bộ tứ ” trong hoạt động của Bộ môn, tạo ra được không khí dân chủ và sự đoàn kết nhất trí trong Bộ môn.
1.3.2.3. Về hoạt động giảng dạy
Giai đoạn này Bộ môn phải dạy cho các khoá chính quy từ 21 đến 24 là những khoá có số lượng tuyển sinh đông nhất. Ngoài ra là các lớp chuyên tu, quân y, thực hành dược khoa của dược 1. Trong khi đó, địa bàn giảng dạy lại trải ra rất rộng tại các cơ sở sơ tán như đã nói ở trên. Tuy số cán bộ giảng dạy tăng, nhưng anh chị em thường phải giảng gấp đôi giờ tiêu chuẩn. Nhiều chị em có con nhỏ như DS Phan Kim Dung, DS Ngô Ngọc Trâm, DS Nguyễn Thị Nga, DS Nguyễn Thị Năm,... hàng tuần phải đạp xe đạp chạy vòng quanh Ninh Sở , Quán Gánh hay Thuận Thành để giảng dạy, rất vất vả.
Chương trình bào chế chuyên ngành giai đoạn này đã lên đến 120 giờ lý thuyết, được bổ sung nhiều nội dung mới như chuyên đề “ Chất diện hoạt” do DS Đặng Hồng Vân chủ biên, chuyên đề “ Thuốc tiêm và dịch truyền” do PTS Lê Văn Truyền chủ biên. Chuyên đề “Bào chế đông dược” lúc đầu Bộ môn mời DS Đinh Ngọc Lâm chủ nhiệm khoa dược Bệnh viện 108 giảng, về sau giao cho DS Võ Xuân Minh đảm nhiệm.
Về thực hành dược khoa, để sinh viên thích ứng hơn với hoàn cảnh thời chiến, theo chỉ đạo của Bộ y tế, Bộ môn đã phối hợp với trường Quân y triển khai thêm nội dung pha chế dịch truyền dã chiến. Cuối năm 1971, Bộ môn đã cử 3 cán bộ là DS Đỗ Minh, DS Nguyễn Thị Năm và DSTH Nguyễn Thu Tám cùng với trường Trung cấp quân y huấn luyện pha chế dịch truyền dã chiến cho lớp đi B của khoá 21 tại rừng Ba Vì tỉnh Hà Tây. Năm 1972, DS Hoàng Đức Chước và DS Võ Xuân Minh huấn luyện cho lớp đi B của khoá 22 tại Lương Sơn, Hoà Bình.
Năm 1971 cũng là năm xẩy ra nạn lụt lớn nhất từ trước đến giờ ở các tỉnh Miền Bắc. Nhiều quãng đê xung yếu bị vỡ, làng xóm ngập chìm trong nước nhiều tuần. Theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế, nhà trường đã cho sinh viên nghỉ học để tham gia khắc phục hậu quả lũ lụt và huy động hầu hết cán bộ giảng dạy các bộ môn nghiệp vụ dẫn các đoàn sinh viên đến vùng ngập lụt: DS Mai Tất Tố đi Quế Võ, DS Nguyễn Thị Năm đi Yên Dũng Hà Bắc với dược 4; DS Nguyễn Khắc Thân, DS Hoàng Đức Chước đi Hải Hưng, DS Võ Xuân Minh đi Mỹ Đức Hà Tây với dược 5,... Thầy trò đã cùng nhau cấp phát thuốc men, cất nước, pha chế dịch truyền dã chiến, thu dọn bệnh viên, thau giếng, làm lại hố xí,... Những hình ảnh đó đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ và nhân dân địa phương đối với trường Đại học Dược Hà Nội.
Năm 1972, sau thất bại nặng nề ở chiến trường Quảng Trị - Nam Lào, đế quốc Mỹ lại mưu toan đánh phá lại Miền Bắc. Thầy trò Trường Đại học Dược Hà Nội lại gồng gánh sơ tán sang xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Hà Bắc. Bộ môn được giao nhiệm vụ đưa tất cả số sinh viên khoá 24 phân tán xuống các bệnh viện huyện và trạm y tế của các xã để vừa học lý thuyết, vừa kết hợp đi thực tế và phục vụ chiến đấu khi cần. PTS Lê Văn Truyền được phân công phụ trách huyện Thuận Thành, DS Hoàng Đức Chước huyện Quế Võ, DS Võ Xuân Minh huyện Gia Lương, DS Nguyễn Thị Năm ở thị xã Thái nguyên. Các thầy phải chọn địa điểm, tổ chức lớp học và dạy lý thuyết cả học kỳ cho sinh viên, sau đó quay vòng chấm thi vấn đáp cho từng lớp.
Tháng 12 năm 1972, đế quốc Mỹ bất chấp dư luận quốc tế, điên cuồng tiến hành cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào thủ đô Hà Nội. DS Đỗ Minh và PTS Lê Văn Truyền được giao nhiệm vụ phụ trách tổ pha chế dịch truyền dã chiến của trường. Trong tiếng bom rền của pháo đài bay B52 và tiếng pháo tự hành của lực lượng vũ trang Thủ đô, dưới tầng hầm 13 Lê Thánh Tông, thầy trò và lực lượng tự vệ vẫn bám trụ pha chế. Khi Khoa Dược bệnh viện Bạch Mai bị đánh sập, dịch truyền của trường Đại học Dược Hà Nội đã được thành phố huy động phục vụ cho cấp cứu chiến thương.
Chỉ từ đầu năm 1973, sau khi hiệp định Pari được ký kết, việc giảng dạy của Bộ môn mới thực sự được quy tụ về Hà Nội.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, Bộ môn đã rất chú trọng đến việc biên soạn giáo trình. Năm 1971, việc biên soạn đã được phân công cho 4 cán bộ chủ chốt là DS Đặng Hồng Vân, DS Đỗ Minh, DS Lê Văn Truyền và DS Phan Kim Dung. Năm 1973 cuốn “Kỹ thuật bào chế các dạng thuốc” tập 1 do NXB Y học in và phát hành đã ra mắt độc giả, phục vụ rất có hiệu quả cho việc giảng dạy và học tập.
1.3.2.4. Về nghiên cứu khoa học
Từ năm 1970, sau khi tập trung về Hà Nội, Bộ môn đã có điều kiện để đẩy mạnh công tác NCKH, một nội dung quan trọng của hoạt động chuyên môn.
Năm 1971, theo đề nghị của trường, Bộ Y tế đã cho thành lập một số đơn vị nghiên cứu chuyên đề trực thuộc Bộ đặt tại trường, trong đó có “Tổ nghiên cứu dạng bào chế từ dược liệu Việt Nam” đặt tại Bộ môn do DS Đặng Hồng Vân phụ trách. Nội dung nghiên cứu của tổ là thực hiện đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu dạng bào chế từ dược liệu Việt Nam “ do DS Đặng Hồng Vân chủ trì. Cán bộ nghiên cứu chuyên trách thời gian đầu có DS Phạm Kim Chung, DS Nguyễn Tường Vân. Năm 1974 có thêm DS Nguyễn Văn Long và về sau có thêm DS Hoàng Ngọc Hùng, DS Nguyễn Đăng Hoà. Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của DS Đặng Hồng Vân, hầu hết cán bộ trong Bộ môn đều tham gia đề tài của nhóm.
Về trang thiết bị, năm 1970 trường Đại học Dược Hà Nội nhận được nguồn viện trợ của Hungari, trong đó Bộ môn Bào chế được trang bị khá nhiều dụng cụ phục vụ cho thực tập và NCKH như khuôn đổ thuốc đặt, bàn chia viên, máy khuấy, máy nghiền, máy đồng nhất hoá,... Năm 1973, Bộ môn nhận được một bộ thiết bị bào chế đa chức năng EWEKA từ nguồn viện trợ của tổ chức Nhà thờ thế giới, hỗ trợ rất đắc lực cho hoạt động chuyên môn của Bộ môn. Tuy mặt bằng chật hẹp, trang thiết bị còn thiếu thốn, nguồn kinh phí hạn hẹp, nhưng do biết kết hợp với một số cán bộ và cơ sở NCKH trong và ngoài ngành, nên đề tài đã thu được nhiều kết quả khả quan: nghiên cứu thành phần hoá học, dạng bào chế của nhiều dược liệu như rắn cạn, rắn biển, cà độc dược, rau má, lạc tiên, lá sen, cỏ sữa, trinh nữ, nhàu, tỏi,... Trong đó, một số chế phẩm đã được bàn giao cho các XNDP đưa vào sản xuất như viên Rheumatin, viên Pulmonal, viên Aliopin,... Hai sản phẩm của nhóm đã được thưởng huy chương vàng tại triển lãm Giảng Võ (nọc rắn hổ mang, viên rắn biển). Một số công trình tốt nghiệp của cán bộ, sinh viên cũng được gắn với kết quả nghiên cứu của đề tài. Trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, thuốc men khan hiếm, kết quả của đề tài cũng là những đóng góp thiết thực cho ngành dược nước nhà.
Trong giai đoạn này, dưới sự chỉ đạo của DS Đặng Hồng Vân và DS Đỗ Minh, Bộ môn cũng đã xác định cho mình 4 hướng nghiên cứu chính là:
- Nghiên cứu dạng bào chế thích hợp cho dược liệu Việt Nam
- Nghiên cứu tận dụng phế liệu của ngành công nghiệp thực phẩm để làm thuốc (tạng liệu, men,...)
- Nghiên cứu ứng dụng tá dược mới và kỹ thuật mới
- Nghiên cứu nâng cao độ ổn định của một số dạng thuốc
Những phương hướng trên đây không những chỉ có ý nghĩa chủ đạo trong giai đoạn này, mà trên thực tế, cho cả các giai đoạn tiếp theo.
Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Thời gian hoà bình chưa được bao lâu, đất nước ta lại phải đối đầu với 2 cuộc chiến tranh biên giới và thời kỳ bao vây, cấm vận dai dẳng. Cuộc sống của cán bộ, viên chức vô cùng khó khăn, thiếu thốn
Giai đoạn này là giai đoạn Nhà nước sắp xếp lại biên chế, tổ chức cho phù hợp với hoàn cảnh sau chiến tranh. Đội ngũ cán bộ của Bộ môn được đào tạo và chuẩn hoá khá nhiều.
Năm 1975, ngay khi thành phố Huế vừa được giải phóng, DS Đỗ Minh đã được Bộ Y tế điều động vào tham gia tiếp quản Bệnh viên Huế cùng với DS Nguỵ Quế ở Bộ môn Công nghiệp Dược.
Cuối năm 1975, DS Võ Xuân Minh và DS Trần An Tường được Nhà trường cử đi học tiến tu sinh ở Trung Quốc cùng với 1 số cán bộ khác trong trường với ý đồ sẽ thành lập Bộ môn Đông dược theo mô hình của Trung quốc. Bộ môn nhận thêm 3 cán bộ ở các Bộ môn khác chuyển đến phụ trách phần thực tế của sinh viên tại các bệnh viện: DS Vũ Văn Thảo và DS Nguyễn Thị Anh Nguyên tốt nghiệp khoá 19, cán bộ giảng dạy Bộ môn Hữu cơ và DS Nguyễn Thị Chung tốt nghiệp khoá 16, giảng viên Bộ môn Vô cơ.
Năm 1976, DS Hoàng Đức Chước đi nghiên cứu sinh Liên Xô, Bộ môn nhận thêm DS Nguyễn Tiến Cừ tốt nghiệp khoá 26 và DS Nguyễn Thị Bang tốt nghiệp khoá 18 từ Bộ môn Thực vật chuyển đến.
Năm 1977, DS Nguyễn Kim Chi và DS Nguyễn Thị Tám tốt nghiệp đại học hệ chuyên tu trở về Bộ môn, nâng biên chế lên đến 23 người. Đây là năm Bộ môn có số lượng cán bộ đông nhất.
Năm 1978, Bộ môn có 2 cán bộ giảng dạy đi nghiên cứu sinh nước ngoài: DS Phạm Ngọc Bùng đi Liên Xô, DS Vũ Văn Thảo đi Bungari. DS Nguyễn Kim Chi sang Pháp theo gia đình. Bà Nguyễn Kim Oanh đi học trung học dược Hà Nội. DS Võ Xuân Minh và DS Trần An Tường tốt nghiệp tiến tu sinh trở về Bộ môn làm việc. DS Hoàng Ngọc Hùng, nguyên sinh viên khoá 24 đi bộ đội năm 1972, tốt nghiệp khoá 28 được giữ lại Bộ môn làm cán bộ nghiên cứu thuộc tổ chuyên đề.
Năm 1979, chiến tranh biên giới phía bắc xẩy ra, một số cán bộ trong trường được huy động vào quân đội, trong đó có DS Trần Ngọc Hân và DS Nguyễn Tiến Cừ. Theo yêu cầu tinh giản biên chế, DS Nguyễn Thị Anh Nguyên chuyển về Xưởng trường. Bộ môn nhận thêm 1 cán bộ giảng dạy mới là DS Phạm Quốc Bảo, là bộ đội xuất ngũ, tốt nghiệp khoá 29.
Từ năm 1980 – 1986, nhiều cán bộ tiếp tục chuyển khỏi Bộ môn: DS Ngô Ngọc Trâm, DS Nguyễn Thị Bang về Xưởng trường (1980). PTS Lê Văn Truyền vào XNDP Thừa Thiên Huế làm phó giám đốc (1986), ông Thích nghỉ hưu (1985). Ngoài ra, DS Nguyễn Văn Long đi nghiên cứu sinh tại Bungari (1984), DS Hoàng Ngọc Hùng đi nghiên cứu sinh tại Liên xô (1985). Bộ môn chỉ nhận một cán bộ mới là DS Nguyễn Đăng Hoà, là bộ đội xuất ngũ , tốt nghiệp khoá 34 về làm cán bộ nghiên cứu. Vào năm 1986, Bộ môn có 18 cán bộ.
Sau nhiều năm cách quãng, năm 1981, Nhà nước tố chức phong học hàm cho đội ngũ cán bộ khoa học. DS Đặng Hồng Vân được phong Giáo sư 1 cùng với một số cán bộ giảng dạy chủ chốt trong Nhà trường. Năm 1984, GS Đặng Hồng Vân được phong tiếp GS2, DS Đỗ Minh được phong Giáo sư 1. Để đáp ứng nhu cầu phát triển Bộ môn, cũng trong năm này, PTS Lê Văn Truyền được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Bộ môn.
Về tổ chức Đảng, giai đoạn này, số đảng viên trong Bộ môn khá đông và đã hình thành Chi bộ Bào chế độc lập. Số đảng viên được kết nạp tại Chi bộ có: DS Trần Ngọc Hân (1978), DS Phan Kim Dung (1980), DS Phạm Ngọc Bùng (1986). Đảng viên ở các nơi khác chuyển đến gồm: DS Vũ Văn Thảo (kết nạp năm 1969 tại Chi bộ sinh viên ), DS Hoàng Ngọc Hùng (kết nạp năm 1974 tại Quân đoàn 2), DS Phạm Quốc Bảo (kết nạp năm 1979 tại Chi bộ sinh viên), DS Nguyễn Đăng Hoà (kết nạp năm 1981 tại Quân khu 3). PTS Lê Văn Truyền là Bí thư đoàn trường, đã được bầu vào Đảng uỷ nhiệm kỳ 1982 và từ năm 1979 - 1981 đã được cử đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Bí thư Chi bộ giai đoạn này là các đồng chí Lê Văn Truyền, Nguyễn Thị Nga, Võ Xuân Minh. Tổ trưởng công đoàn là DS Nguyễn Thị Nga, DS Phan Kim Dung. DS Nguyễn Văn Long là bí thư chi đoàn cán bộ nghiệp vụ từ 1976 - 1981. Các đảng viên trong Chi bộ đã phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu trong các hoạt động của Bộ môn.
Giai đoạn này, đội ngũ cán bộ giảng dạy của Bộ môn đã được củng cố và nâng cấp một bước, phần lớn đều đạt trình độ sau đại học, bao gồm: 2 người được phong giáo sư (GS2 Đặng Hồng Vân, GS1 Đỗ Minh); 3 người tốt nghiệp phó tiến sĩ nước ngoài (PTS Hoàng Đức Chước năm 1981, PTS Vũ Văn Thảo năm 1982 và PTS Phạm Ngọc Bùng năm 1983); 2 người tốt nghiệp tiến tu sinh Trung quốc (Võ Xuân Minh và Trần An Tường năm 1978); 3 người đi học nghiên cứu sinh trong nước (DS Phan Kim Dung, DS Nguyễn Thị Chung và DS Nguyễn Tường Vân năm 1983); 2 người đi tham quan học tập ngắn hạn ở nước ngoài (GS Đỗ Minh và DS Nguyễn Thị Nga đi Hà Lan 6 tháng). Ngoài ra, một số được công nhận đặc cách Dược sĩ chuyên khoa 2 (Lê Văn Truyền, Phan Kim Dung) hoặc Chuyên khoa 1 (Hoàng Đức Chước, Nguyễn Thị Nga, Ngô Ngọc Trâm, Nguyễn Văn Long, Vũ Văn Thảo, Nguyễn Thị Năm, Võ Xuân Minh, Phạm Ngọc Bùng, Trần Thị An Tường...).
Cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Bộ môn đã có điều kiện để cải tiến và nâng cao chất lượng giảng dạy: viết lại giáo trình, tiến hành đào tạo sau đại học, bình giảng thường kỳ cho cán bộ giảng dạy. Đối với sinh viên, Bộ môn đã tổ chức seminar, viết tiểu luận theo chuyên đề, làm bài thực tập lớn, tiến hành thực nghiệm khoa học, thi học sinh giỏi môn bào chế. 2 tập giáo trình “Kỹ thuật bào chế các dạng thuốc” tập 2, tập 3 đã được NXB Y học in và phát hành vào năm 1976 và 1978. Trong thực tập, các kỹ thuật viên như ông Nguyễn Văn Thích, bà Nguyễn Kim Chi, bà Nguyễn Kim Oanh, Bà Bùi Thị Bích, bà Nguyễn Thị Đường luôn bám sát sinh viên để giúp đỡ, uốn nắn tác phong, động tác cho sinh viên.
Sau giải phóng Miền Nam, Bộ môn được giao nhiệm vụ giúp Bộ môn Bào chế Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh xây dựng chương trình, tổ chức giảng dạy và trực tiếp giảng dạy cho đến lúc họ có đủ lực lượng cán bộ (vào khoảng năm 1985). Các cán bộ được phân công giảng nhiều cho Miền Nam là DS Đặng Hồng Vân, DS Đỗ Minh, PTS Lê Văn Truyền, DS Võ Xuân Minh (phần bào chế đông dược),...
Từ năm 1976, Trường Đại học Dược Hà Nội bắt đầu được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học. Ngoài một số lớp đặc cách, năm 1980 lớp chuyên khoa 2 chuyên ngành bào chế đầu tiên gồm 14 người chủ yếu là chủ nhiệm khoa Dược của một số bệnh viện lớn tại Hà Nội và một số tỉnh do Bộ môn phụ trách đã bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp tại trường. Từ năm 1983, ba cán bộ của Bộ môn bắt đầu làm nghiên cứu sinh trong nước tại Bộ môn (DS Phan Kim Dung, DS Nguyễn Thị Chung, DS Nguyễn Tường Vân) dưới sự hướng dẫn khoa học của GS Đặng Hồng Vân, GS Đỗ Minh và PTS Lê Văn Truyền.
Sau chiến tranh biên giới phía bắc, theo chủ trương của Bộ Y tế, Trường Đại học Dược Hà Nội đã điều động một số cán bộ đi tăng cường cho các huyện biên giới. Năm 1984, PTS Phạm Ngọc Bùng và PTS Vũ Văn Thảo được Nhà trường giao nhiệm vụ dẫn một đoàn sinh viên dược 4 lên chi viện cho sở y tế Hà Tuyên. Sau một thời gian lao động cật lực, khắc phục nhiều khó khăn thiếu thốn, vận dụng kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm đã có, thầy trò đã cùng cán bộ địa phương hoàn thành trung tâm pha chế dịch truyền lớn nhất của tỉnh tại huyện Bắc Quang với công suất 200 lít một ngày, có thể cung cấp cho một số tỉnh biên giới khi cần. Năm sau, PTS Hoàng Đức Chước cũng được huy động đi chi viện cho huyện Ba Chẽ tỉnh Quảng Ninh và cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thời kỳ này, ngoài việc giảng dạy ở trường, Bộ môn còn tham gia gaỉng ở trường Đào tạo cán bộ quản lý Y tế (lớp dược sĩ tổ chức). Đặc biệt, về nhiệm vụ quốc tế, trong nhiều năm, Bộ môn đã góp phần cùng với nhà trường đào tạo khoảng 50 dược sĩ cho nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và một số thực tập sinh Campuchia, trong đó có những người về sau nắm giữ các trọng trách trong ngành dược của nước bạn.
Tuy trang thiết bị và kinh phí giai đoạn này vẫn hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhưng cùng với việc giảng dạy, hoạt động NCKH của Bộ môn vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Hướng nghiên cứu vẫn tập trung chủ yếu vào việc khai thác nguồn dược liệu trong nước trên cơ sở coi trọng việc vận dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu dạng bào chế từ dược liệu Việt Nam ” được Tổ nghiên cứu chuyên đề phát triển trên diện rộng, thêm nhiều dược liệu ở Miền Nam được đưa vào danh mục điều tra khảo sát như: rắn biển, nhàu, măng cụt, actiso,... Ngoài đề tài cấp Bộ, GS Đặng Hồng Vân còn chủ trì đề tài nhánh cấp Nhà nước 64-01 “Góp phần xây dựng mô hình phát triển thuốc nam tuyến y tế cơ sở ” triển khai tại nhiều xã thuộc các địa phương như Hà Nội, Hà Tây, Hà Bắc, Hải Hưng. Nhiều cán bộ của Bộ môn (Võ Xuân Minh, Phạm Quốc Bảo, Vũ Văn Thảo, Trần An Tường, Nguyễn Thị Chung...) trong hoàn cảnh khó khăn vẫn cùng sinh viên đạp xe đạp đến nhiều trạm y tế xã để khảo sát thực tế, thu thập số liệu, xây dựng và triển khai mô hình trên thực tế.
Để làm cơ sở cho nghiên cứu thực nghiệm, PTS Lê Văn Truyền và PTS Hoàng Đức Chước đã biên soạn tài liệu và mở các lớp chuyên đề về “Lý thuyết cơ bản của chiết xuất” và “Ứng dụng phương pháp quy hoạch thực nghiệm trong chiết xuất” bồi dưỡng cho cán bộ trong Bộ môn thông qua các buổi sinh hoạt khoa học thường kỳ.
Như trên đã nói, giai đoạn bao cấp là thời kỳ đời sống cán bộ công chức vô cùng khó khăn. Phát huy thế mạnh về chuyên môn của mình, ngay từ những ngày đầu, Bộ môn đã chú trọng đến việc sản xuất gia công để vừa cải thiện đời sống vừa góp phần rèn luyên tay nghề cho cán bộ. Công việc đầu tiên là gia công thuốc tiêm B12 cho quân đội, thuốc mỡ tra mắt tetracyclin cho Viện mắt TW và Công ty dược phẩm TW1,... Tiếp đó là việc áp dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất như làm nọc rắn, thuốc mỡ nọc rắn, bột tỏi ổn định,... Sau khi nhà nước cho phép Nhà trường mở công ty, Bộ môn đã sản xuất một số mặt hàng qua công ty như thuốc chấm răng Dendolo, bột cóc, cao xoa, viên Aliopin,... DS Phan Kim Dung, DS Võ Xuân Minh, DS Nguyễn Văn Long đã được giao làm tổ trưởng sản xuất. Ngoài việc cải thiện đời sống cho cán bộ trong Bộ môn, lao động sản xuất của Bộ môn cũng đã tạo thu nhập cho một số cán bộ công chức trong Nhà trường và có những đóng góp thoả đáng cho quỹ phúc lợi của Nhà trường. Để tận dụng diện tích, giảm bớt ảnh hưởng của sản xuất tới khung cảnh sư phạm, Bộ môn đã khai thác đưa vào sử dụng tầng thượng, cải tạo hành lang, sắp xếp lại mặt bằng làm việc.
Do có ý thức nhường nhịn, đùm bọc lẫn nhau nên dù có sản xuất trong nhiều năm, Bộ môn vẫn giữ được sự đoàn kết thống nhất. Cho đến nay, mọi người vẫn nhớ tới những đêm sấy bột tỏi hai mắt cay xè, những ngày chủ nhật chặt đầu cóc hai tay tê cứng.
Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng do phấn đấu bền bỉ, giai đoạn này, Bộ môn vẫn đạt những kết quả đáng trân trọng. GS Đặng Hồng Vân 12 năm liền được bầu là chiến sĩ thi đua, Bộ môn 12 năm liền đạt danh hiệu tổ lao động XHCN và năm 1975 là Bộ môn duy nhất trong trường được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3.
Năm 1986, Đại hội VI của Đảng đã mở ra thời kỳ đổi mới, mở cửa, hội nhập với khu vực và thế giới. Đổi mới đã tạo ra cơ chế thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện đời sống cán bộ công chức. Hôị nhập tạo điều kiện cho cán bộ khoa học nắm bắt, cập nhật thông tin mới, thúc đẩy hoạt động chuyên môn.
Giai đoạn này biên chế của Bộ môn đi theo hướng chỉ đạo chung của Nhà nước là tinh giản và tiêu chuẩn hoá, đồng thời có sự chuyển giao giữa các thế hệ: lớp cán bộ tham gia chống Pháp, chống Mỹ lần lượt nghỉ hưu, nhường chỗ cho thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đổi mới. Tình hình chung của các trường đại học giai đoạn này về đội ngũ cán bộ là có sự hẫng hụt lớn giữa các thế hệ, nhưng ở Bộ môn điều này đã không xẩy ra.
Từ năm 1986 đến 2004, 14 thành viên của Bộ môn đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu:
Năm 1986, PTS Lê Văn Truyền chuyển vào XNDP Thừa Thiên - Huế, làm Phó giám đốc xí nghiệp (về sau là PGS, Thứ trưởng Bộ Y tế)
Năm 1988, DS Nguyễn Thị Chung chuyển vào Bộ môn Bào chế Đại học Y - Dược thành phố Hồ Chí Minh, làm Phó chủ nhiệm Bộ môn (về sau là PTS, chủ nhiệm Bộ môn, nhà giáo ưu tú).
Năm 1990 PTS Hoàng Ngọc Hùng chuyển công tác về Bộ Y tế (về sau làm Phó giám đốc XNDP TW2)
Năm 1995 PTS Trần Thị An Tường chuyển vào Bộ môn Bào chế Đại học Y - Dược thành phố Hồ Chí Minh làm CBGD.
Năm 1997 PTS Phạm Quốc Bảo chuyển đến Vụ Khoa học - Đào tạo Bộ Y tế (về sau làm Phó vụ trưởng Vụ KHĐT).
Năm 2004, PGS Phạm Ngọc Bùng chuyển sang Bộ môn Vật lý -Toán làm Trưởng Bộ môn.
Số cán bộ nghỉ hưu bao gồm 8 người: DS Phạm Kim Chung (1992), PGS Đỗ Minh (1995), DS Nguyễn Tường Vân (1999), DS Nguyễn Thị Nga (2000), DS Nguyễn Thị Năm (2001), bà Nguyễn Kim Oanh (2002), DS Nguyễn Thu Tám (2003), TS Hoàng Đức Chước (2004) và bà Nguyễn Thị Đường (2004)
Cũng trong giai đoạn này, 3 cán bộ đã mất: GS Đặng Hồng Vân mất năm 1991 do một tai nạn giao thông trên đường đến trường. Ông Nguyễn Văn Thích mất năm 2001 và PGS Đỗ Minh mất năm 2002 đều do bệnh tật và tuổi cao sức yếu.
Để bổ sung đội ngũ cán bộ kế cận, Bộ môn đã tuyển thêm 8 cán bộ mới: ThS Phạm Thị Minh Huệ, tốt nghiệp dược sĩ khoá 37, tốt nghiệp lớp trợ lý giảng dạy năm 1991. ThS Nguyễn Trần Linh, tốt nghiệp dược sĩ khoá 46, tốt nghiệp thạc sĩ năm 1999. ThS Vũ Thu Giang, dược sĩ khoá 47, tốt nghiệp thạc sĩ năm 2002. DS Đinh Thuỳ Dương, tốt nghiệp dược sĩ khoá 52. DS Nguyễn Quỳnh Hoa, tốt nghiệp dược sĩ khoá 54. DS Nguyễn Thị Mai Anh, tốt nghiệp dược sĩ khoá 45, chuyển công tác về trường. 2 kỹ thuật viên trung học là Mai Khắc Cường và Lưu Hồng Vân
Về đào tạo bồi dưỡng, có DS Nguyễn Văn Long làm nghiên cứu sinh tại Bungari từ năm 1984 – 1988. DS Hoàng Ngọc Hùng làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô từ năm 1985-1989. Năm cán bộ giảng dạy bảo vệ luận án Phó tiến sĩ (sau này là Tiến sĩ) trong nước là: DS Võ Xuân Minh năm 1992, DS Phạm Quốc Bảo năm 1993, DS Trần Thị An Tường năm 1994, DS Nguyễn Đăng Hoà năm 2000 và DS Phạm Minh Huệ năm 2003. Ba cán bộ được phong hàm phó giáo sư vào năm 2002 là Võ Xuân Minh, Phạm Ngọc Bùng, Nguyễn Văn Long. Bốn cán bộ được đi tham quan học tập ngắn hạn ở nước ngoài: GS Đặng Hồng Vân đi Pháp 1 năm vào 1990. DS Nguyễn Đăng Hoà đi Úc 18 tháng vào năm 1995-1996, TS Nguyễn Văn Long và ThS Phạm Minh Huệ đi Úc 3 tháng năm 1998, TS Võ Xuân Minh và ThS Phạm Minh Huệ đi Bỉ 2 tháng vào năm 2000.
Về quản lý Bộ môn: Năm 1991 sau khi GS Đặng Hồng Vân mất, PGS Đỗ Minh được cử phụ trách Bộ môn. Năm 1992, TS Võ Xuân Minh được bổ nhiệm phó trưởng Bộ môn. Năm 1995, sau khi PGS Đỗ Minh nghỉ hưu, PGS Võ Xuân Minh được bổ nhiệm trưởng Bộ môn và PGS Phạm Ngọc Bùng bổ nhiệm Phó trưởng Bộ môn. Năm 2004, PGS Nguyễn Văn Long được bổ nhiệm Phó trưởng Bộ môn. Tổ trưởng công đoàn là PGS Phạm Ngọc Bùng, TS Nguyễn Đăng Hoà. Về chi bộ, giai đoạn này đã kết nạp được 3 đảng viên: TS Nguyễn Văn Long (1989), TS Phạm Minh Huệ (2003), ThS Vũ Thu Giang (2004). Bí thư Chi bộ là Võ Xuân Minh, Phạm Ngọc Bùng, Nguyễn Văn Long.
Về tham công tác của Nhà trường: Các đồng chí Võ Xuân Minh, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Đăng Hoà đã tham gia Đảng uỷ trường trong một số nhiệm kỳ. Năm 1999 đồng chí Võ Xuân Minh được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng. Đồng chí Nguyễn Văn Long là Trưởng ban thường trực đại hội công nhân viên chức Nhà trường và đồng chí Nguyễn Đăng Hoà là Phó chủ tịch Ban chấp hành công đoàn Nhà trường. Nhiều kinh nghiệm công tác của Bộ môn đã được nhân rộng thông qua các đồng chí đại biểu của Bộ môn đóng góp cho hoạt động chung của Nhà trường.
Cùng với sự đổi mới của đất nước, nét nổi bật về hoạt động chuyên môn của Bộ môn trong giai đoạn này là đổi mới về phương hướng học thuật: chuyển từ bào chế quy ước sang bào chế hiện đại.
- Đào tạo trong đại học:
Từ năm học 1983-1984, Nhà trường bỏ đào tạo chuyên khoa trong đại học, chuyển sang đào tạo dược sĩ đa khoa. Do vậy chương trình đào tạo dược sĩ đại học môn bào chế được tinh giản, đi theo hướng phục vụ hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Nhiều nội dung giảng dạy theo hướng phục vụ pha chế theo đơn nhỏ lẻ trước đây không còn phù hợp đã được mạnh dạn cắt bỏ. Thay vào đó là các nội dung mới hướng vào việc xây dựng công thức, sinh dược học bào chế, các kỹ thuật mới và dạng thuốc mới được đưa vào để đảm bảo tính cập nhật, hiện đại của chương trình. Đồng thời, ranh giới giữa kiến thức trong đại học và sau đại học cũng được phân định rõ. Hướng học thuật của Bộ môn từng bước chuyển dần từ “Bào chế quy ước” sang “Bào chế hiện đại”
Giai đoạn này, Bộ môn đã 2 lần thay đổi giáo trình. Thập kỷ 90 là “Kỹ thuật bào chế các dạng thuốc” tập 1 và 2 xuất bản vào năm 1988 và 1991 trên cơ sở chỉnh lý, bổ sung của 3 tập trước. Đầu thế kỷ 21 là 2 tập “Kỹ thuật bào chế và sinh dược học các dạng thuốc” tập 1 và 2 in tại NXB Y học năm 2002. Đồng thời với giáo trình lý thuyết là: “ Bộ câu hỏi trắc nghiệm môn kỹ thuật bào chế” và “Bộ đề thi chạy trạm” cũng được in ở NXB Y học. Nội dung sinh dược học đã được Bộ môn bổ túc rộng rãi cho đối tượng dược sĩ tốt nghiệp trước 1995 thông qua các lớp đào tạo lại của trường và của Tổng công ty dược Việt Nam tổ chức. Có thể nói, Bộ môn đã đóng được vai trò đầu ngành, đưa những kiến thức mới về bào chế học hiện đại vào thực tiễn Việt nam. Những kiến thức này đã từ Bộ môn, thông qua người học lan toả, thấm dần vào thực tế sản xuất trong nước, đóng góp không nhỏ cho sự đổi mới và hội nhập của ngành.
Những năm gần đây, Bộ Y tế giao cho trường Đại học Dược Hà Nội giúp xây dựng Khoa dược tại Đại học Y Huế và Đại học Y Thái Nguyên, vì vậy, ngoài việc giảng dạy ở trường, Bộ môn còn giảng môn kỹ thuật bào chế & sinh dược học các dạng thuốc cho sinh viên chuyên tu dược Đại học Huế và Đại học Thái Nguyên.
Song song với việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, Bộ môn còn tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường tính chủ động, sáng tạo của người học. Số sinh viên theo làm thực nghiệm khoa học và khoá luận tốt nghiệp tại Bộ môn ngày càng đông.
- Đào tạo sau đại học:
Việc đào tạo sau đại học của Nhà trường ngày càng đi vào nề nếp, số lượng tuyển sinh ngày càng tăng, nhất là cao học. Bộ môn đã tham gia đào tạo tất cả các loại hình sau đại học tại trường và tại các địa phương. Hai môn học mới là “Sinh dược học bào chế” và “Bào chế học hiện đại” đã được hình thành dành cho sau đại học. Hai tập giáo trình tương ứng là “Sinh dược học bào chế” và “Một số chuyên đề về bào chế hiện đại” đã được in tại NXB Y học năm 2004 và 2005. Bộ môn trở thành Bộ môn đầu tiên trong Nhà trường hoàn thiện được toàn bộ giáo trình giảng dạy từ đại học cho đến sau đại học in ở NXB Y học.
Như trên đã trình bày, trong thời đại bùng nổ thông tin, cán bộ của Bộ môn đã có điều kiện để cập nhật được kiến thức mới. Một số trang thiết bị nghiên cứu hiện đại cũng đã được mua sắm như: thiết bị đông khô, máy đóng hàn ống tiêm tự động (viện trợ Hà Lan), thiết bị phun sấy, thiết bị tầng sôi, máy đùn tạo cầu, thiết bị hoà tan tự động, máy sắc ký lỏng hiệu năng cao,... Nhờ đó, đã tạo điều kiện cho Bộ môn liên tục chủ trì nhiều đề tài NCKH cấp Bộ và một số đề tài nhánh cấp Nhà nước theo các hướng như:
- Nâng cao sinh khả dụng của thuốc sản xuất trong nước.
- Nghiên cứu áp dụng các kỹ thuật bào chế mới và các dạng thuốc mới như hệ phân tán rắn, đông khô, phun sấy, bao màng mỏng, vi nang, vi cầu, pellet, thuốc tác dụng kéo dài, thuốc hấp thu qua da,...
- Nghiên cứu đánh giá sinh khả dụng và tương đương sinh học.
- Nghiên cứu nâng cao độ ổn định của thuốc sản xuất trong nước.
Bộ môn đã kết hợp với nhiều cán bộ khoa học và đơn vị nghiên cứu trong và ngoài ngành. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được áp dụng vào sản xuất như: viên nén và thuốc đạn artesunat, vi nang vitamin B12, vi nang acid folic, viên nifedipin tác dụng kéo dài,... Đề tài nghiên cứu thuốc sốt rét được giải thưởng Hồ Chí Minh, trong đó có sự đóng góp của Bộ môn (PGS Nguyễn Văn Long tham gia nghiên cứu dạng bào chế).
Hoạt động NCKH của Bộ môn đã gắn liền với hoạt động đào tạo, nhiều công trình tốt nghiệp từ đại học đến tiến sĩ đều xuất phát từ các đề tài NCKH. Nhiều kinh nghiệm và cả lòng nhiệt huyết với NCKH cũng đã được các thầy đưa vào bài giảng để truyền lại cho các thế hệ học sinh, từ đó lại lan toả vào cuộc sống. Ngoài ra, cán bộ Bộ môn cũng đã tham gia nhiều hội đồng chuyên môn của trường và của ngành như Hội đồng dược điển, Hội đồng khoa học, Hội đồng nghiệm thu đánh giá, Hội đồng xét duyệt đăng ký thuốc,... phát huy được vai trò đầu ngành của Bộ môn.
Trong suốt những năm qua, Bộ môn vẫn duy trì được việc sản xuất theo sự quản lý của Nhà trường. Ngoài việc cải thiện đời sống cho cán bộ , công tác sản xuất đã hỗ trợ đắc lực cho hoạt động chuyên môn. Bộ môn hầu như mở của từ 6 giờ sáng cho tới tận 9 - 10 giờ tối kể cả thứ bảy, chủ nhật hay ngày nghỉ, tạo điều kiện cho sinh viên, học viên làm thực nghiệm khoa học và công trình tốt nghiệp, tạo ra không khí hoạt động chuyên môn thực sự trong Bộ môn. Tổ trưởng sản xuất trong giai đoạn này là PGS Nguyễn Văn Long, TS Nguyễn Đăng Hoà.
Tổng kết giai đoạn đổi mới, Bộ môn đã được Bộ Y tế cấp bằng khen vào năm 2000. Năm 2004, được Công đoàn ngành giáo dục tặng bằng khen và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba.
Qua quá trình gần nửa thế kỷ phấn đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ của Bộ môn Bào chế vẫn giữ vững được truyền thống đoàn kết nhất trí, bền bỉ phấn đấu. Nhiều cán bộ từ Bộ môn đi ra đã được giao gánh vác những trọng trách của Nhà trường và của ngành như trưởng - phó Bộ môn, đảng uỷ viên, giám hiệu, bí thư đảng uỷ, giám đốc, vụ phó, thứ trưởng...
Đạt được những thành tích như trên là do Bộ môn đã biết:
- Tôn trọng dân chủ, phát huy sức mạnh và trí tuệ tập thể, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Bộ môn.
- Lấy hiệu quả của công việc làm chính, sống tâm huyết với nghề, không ngừng học tập, phấn đấu vươn lên về chuyên môn, xây dựng được phương hướng học thuật cho Bộ môn.
- Gắn đào tạo - NCKH với lao động sản xuất, đảm bảo lợi ích chính đáng của người lao động, có đóng góp thiết thực cho hoạt động của ngành, xứng đáng với vai trò là Bộ môn đầu ngành..
Phát huy những truyền thống tốt đẹp nói trên, nhất định tập thể Bộ môn Bào chế sẽ tiếp tục đạt những thành quả ngày càng tốt đẹp hơn trong tương lai.