Báo cáo khoa học: Nghiên cứu bào chế và đánh giá hệ nano tự nhũ hóa chứa silymarin - Tin tức & sự kiện - Cổng thông tin Đại Học Dược

Báo cáo khoa học: Nghiên cứu bào chế và đánh giá hệ nano tự nhũ hóa chứa silymarin (14/09/2020)

Trong buổi sinh hoạt khoa học định kỳ vào sáng 14/9/2020, PGS.TS. Nguyễn Thạch Tùng, giảng viên Bộ môn Bào chế đã giới thiệu tóm tắt kết quả đạt được từ đề tài “Nghiên cứu bào chế và đánh giá hệ nano tự nhũ hóa chứa silymarin”.

 
 
Mục tiêu của nghiên cứu là tối ưu hóa hệ phân phối thuốc nano tự nhũ hóa siêu bão hòa (S-SNEDDS) chứa silymarin thông qua việc tìm hiểu ảnh hưởng riêng lẻ và hiệp đồng của SNEDDS và chất ức chế kết tinh tới hiệu quả hòa tan (DE) của silymarin. Sinh khả dụng và hiệu quả bảo vệ gan của S-SNEDDS sau đó được so sánh với biệt dược gốc (Legalon®, Meda).
Hệ SNEDDS chứa silymarin được xây dựng từ giản đồ pha và Poloxamer 407 được chọn là chất ức chế kết tinh tối ưu bằng kỹ thuật tráng phim và chuyển dung môi. Tương tác của silybin (thành phần chính của silymarin) với Poloxamer 407 sau đó được xác định bằng kỹ thuật phân tích nhiệt vi sai, phổ nhiễu xạ tia X (PXRD), phổ hồng ngoại và phân tích cộng hưởng từ hạt nhân proton (1H NMR). Việc kết hợp hệ nano tự nhũ hóa SNEDDS với 10% Poloxamer 407 đã cải thiện đáng kể hiệu quả hòa tan của dược chất sau 4h (88,28%) so với sản phẩm đối chiếu (6,41%). Hệ S-SNEDDS cải thiện đáng kể sinh khả dụng của silymarin so với biệt dược gốc Legalon®. Hiệu quả bảo vệ gan của S-SNEDDS trên chuột thực nghiệm gây viêm bằng CCl4 cũng vượt trội so với chế phẩm đối chiếu biểu hiện thông qua khả năng giảm nồng độ transaminase huyết thanh (ALT, AST) và peroxy hóa lipid màng tế bào cũng như tăng hoạt độ của glutathione và superoxide disutase (SOD) ở các mức liều silybin (10, 25 và 50 mg / kg).
Nghiên cứu có ý nghĩa trong việc phát triển thành công hệ mang thuốc mới có khả năng cải thiện đáng kể sinh khả dụng và tác dụng dược lý của silymarin.