Lễ ký kết Biên bản Ghi nhớ nhằm thúc đẩy đào tạo liên tục cho dược sĩ tại Việt Nam
(13/11/2017)
Một số trường đại học và hiệp hội doanh nghiệp đã cùng nhau hợp tác để góp phần phát triển hoạt động đào tạo liên tục cho dược sĩ tại Việt Nam.
Bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng, Đại học Dược Hà Nội, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam, Ủy ban Y tế thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Pharma Group đã tiến hành việc ký kết Biên bản Ghi nhớ vào ngày 9 tháng 11 năm 2017 tại Đà Nẵng.
Với Biên bản Ghi nhớ này, các bên mong muốn hợp tác để tạo điều kiện cho hoạt động đào tạo liên tục và miễn phí cho sinh viên ngành dược, dược sĩ, chủ và các nhân sự làm việc tại nhà thuốc ở Việt Nam thông qua một ứng dụng điện thoại. Ứng dụng này chủ yếu tập trung vào việc nâng cao kiến thức và kỹ năng của dược sĩ, và sẽ được cung cấp hoàn toàn miễn phí, phi thương mại và phi chính trị. Ứng dụng sẽ mang lại một nền tảng đào tạo tiên tiến, sáng tạo, với mục tiêu mang lại lợi ích cho dược sĩ trên cả nước.
Biên bản Ghi nhớ được xây dựng dựa trên những tiến triển tích cực liên quan đến đào tạo liên tục mà Luật Dược đề ra, và quá trình ký kết có sự chứng kiến của đại diện từ nhiều nền kinh tế APEC, thể hiện cam kết quốc tế trong việc hợp tác để cải thiện lĩnh vực y tế và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế trong khu vực.
Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Úc, Chính phủ Úc:
Janelle Casey, Tham tán & Cao ủy Thương mại của Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Úc (Austrade) tin rằng Chương trình Ứng dụng Nhà thuốc Xuất sắc (Pharmacy Excellence Project - PEP) là ví dụ tuyệt vời về nỗ lực không ngừng của các bên - cả từ các trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp trong ngành y tế - để thúc đẩy sự cải tiến liên tục trong lĩnh vực y tế, giáo dục và phát minh tại Việt Nam. Bà bày tỏ tin tưởng rằng thông qua việc ký kết Biên bản Ghi nhớ, các bên sẽ thắt chặt quan hệ hợp tác để mang sáng kiến xuất sắc này đến cho dược sĩ trên cả nước.
Pharma Group:
Ông Robert Kruit, Phó Chủ tịch Pharma Group Việt Nam cho biết: “Lan rộng hoạt động đào tạo và giáo dục kiến thức y tế cho càng nhiều người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ y tế càng tốt là sứ mệnh vô cùng quan trọng nhằm phát triển hệ thống y tế vững mạnh tại Việt Nam. Tiến bộ công nghệ đang giúp mọi người tiếp cận với những thành tựu y tế mới nhất và với chương trình đào tạo về y tế. Pharma Group tự hào góp phần tạo nên thành công cho sáng kiến tuyệt với này!"
Đại học Dược Hà Nội:
GS.TS Nguyễn Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Phụ trách, Quản lý và Điều hành Trường Đại học Dược Hà Nội chia sẻ " Hài hòa và hội nhập giáo dục là con đường duy nhất hỗ trợ các Trường Đại học của Việt Nam hướng tới từng bước tự chủ và tự khẳng định mình trong hệ thống giáo dục của khu vực và thế giới. Với mong muốn đóng góp cho ngành y tế Việt Nam trong nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đặc biệt y tế tuyến cơ sở, Trường Đại học Dược Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học RMIT Việt Nam, EuroCham, Pharma Group và AmCham dự kiến xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu hỗ trợ tăng cường kỹ năng cho khối dược sĩ cộng đồng thông qua các khối kiến thức cơ bản và các ca lâm sàng mô phỏng với ứng dụng của công nghệ thông tin trong tổ chức đào tạo. Chương trình "pharmacy excellence" sẽ mang đến cho các trường đào tạo dược sĩ của Việt Nam một chương trình đào tạo lồng ghép tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, một phương thức tổ chức đào tạo hiện đại và tiên tiến. Chương trình sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo dược sĩ tại Việt Nam. Trường Đại học Dược Hà Nội cam kết sẽ phối hợp với các bên liên quan trong xây dựng, triển khai, quản lý và giám sát chương trình "pharmacy excellence" đúng với tôn chỉ và mục tiêu của chương trình".
Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh:
GS.TS. Trần Hùng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Hồ Chí Minh cho biết: "Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHYD TP. HCM) vẫn luôn nỗ lực không ngừng cải thiện chất lượng giáo dục trong lĩnh vực khoa học y tế tại Việt Nam. Chúng tôi luôn chủ động tham gia hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên môn. Chương trình Ứng dụng Nhà thuốc Xuất sắc, với sự hỗ trợ của ứng dụng công nghệ, sẽ tạo ra môi trường đào tạo liên tục cho dược sĩ trên nền tảng ứng dụng web. ĐHYD TP. HCM tự hào là một trong những bên tham gia đóng góp nội dung cho dự án ý nghĩa này. Chúng tôi tin rằng ứng dụng này sẽ góp phần vào hoạt động đào tạo liên tục cho nhân sự làm việc trong lĩnh vực y tế để nâng cao kiến thức và cải thiện kỹ năng của dược sĩ tại Việt Nam".
Đại học RMIT Việt Nam:
Giáo sư Gael McDonald, Hiệu trưởng Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ bà rất phấn khởi vì RMIT Việt Nam có thể tham gia vào dự án ý nghĩa như thế này cùng với Pharma Group, Đại học Dược Hà Nội và Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Bà cho biết thêm: “Việc ký kết Biên bản Ghi nhớ giúp RMIT đẩy mạnh hợp tác nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng của dược sĩ tại Việt Nam thông qua đào tạo liên tục và đóng góp vào sự phát triển của đất nước một cách thiết thực."
EuroCham:
Tiến sỹ Gellért Horváth, Đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chia sẻ EuroCham rất vinh dự tham gia vào dự án tuyệt vời này, vốn được khởi xướng bởi Pharma Group, một trong những Tiểu ban Ngành nghề của EuroCham. Chúng tôi nhận thấy đây là ý tưởng tiềm năng có thể lan rộng ra quy mô lớn hơn nữa với nỗ lực chung từ các bên, bao gồm cả khu vực tư nhân và khu vực nhà nước. Ý tưởng về ứng dụng này nâng tầm cam kết của chúng tôi không chỉ hướng tới cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam mà còn góp phần phát triển cộng đồng địa phương.
AmCham:
Thay mặt cho Ủy ban Y tế của Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), AmCham phấn khởi khi là một trong những bên tham gia ký kết Biên bản Ghi nhớ cho Chương trình Ứng dụng Nhà thuốc Xuất sắc. Chương trình xây dựng trên nền tảng ứng dụng điện thoại mang tính tương tác và phi thương mại nhằm thúc đẩy hoạt động đào tạo liên tục cho dược sĩ tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của các trường đại học quốc tế và trong nước, cũng như Ủy ban Y tế thuộc AmCham.