Bài báo nhóm Nghiên cứu PGS.TS Nguyễn Thị Kiều Anh: Tỷ lệ tiêu thụ ma túy trong dân cư Hà Nội: Ước tính bằng phương pháp dịch tễ học phân tích nước thải
(15/02/2022)
Sử dụng ma túy trái phép là một vấn đề nghiêm trọng
ở Việt Nam nhưng đến nay có rất ít thông tin về tỷ lệ sử dụng ma túy trong dân
cư. Các thông tin chủ yếu là từ khối lượng ma túy thu giữ từ các vụ án. Phương
pháp dịch tễ học dựa trên nước thải (Wastewater-based epidemiology: WBE)
là một công cụ mới có thể thu thập thông tin về việc sử dụng ma túy, đặc biệt
khi sự kỳ thị đối với việc sử dụng ma túy có thể cản trở các phương pháp khảo
sát dựa trên phỏng vấn. Nghiên cứu này của chúng tôi áp dụng WBE để đánh giá tỷ
lệ sử dụng nhiều loại ma túy trong cộng đồng dân cư thành thị của Việt Nam. Tổng
cộng 184 mẫu nước thải được thu thập tại hai địa điểm khác nhau dọc theo sông
Kim Ngưu, nơi ước tính tiếp nhận nước thải của hơn 400.000 người ở Hà Nội,
trong ba giai đoạn khác nhau từ năm 2018 đến năm 2020.
Ma túy và các chất chuyển hóa của chúng được định lượng
trong mẫu nước thải bằng phương pháp LC-MS/MS, sau khi được lọc và tiêm trực tiếp
vào hệ thống phân tích. Kết quả phân tích được sử dụng để ước tính mức tiêu thụ
ma túy bình quân đầu người trong một ngày và sau đó dùng để đánh giá xu hướng sử
dụng ma túy. Hầu hết các mẫu đều chứa các loại ma túy phổ biến, trừ cocaine,
benzoylecgonine, amphetamine có mức độ phát hiện thấp hơn, đồng nghĩa với việc
tỷ lệ sử dụng cocaine và amphetamine ở Hà Nội còn thấp.
Mức độ
tiêu thụ ước tính của methamphetamine dao động từ 119,5 đến 553,5 mg/ ngày /
1000 người. Kết quả này cho thấy thị trường ma túy ở Việt Nam đã chuyển từ thuốc
phiện (opiate) sang dạng thuốc kích thích loại amphetamine. Methamphetamine đã
thay thế heroin trở thành loại ma túy phổ biến nhất ở Hà Nội với lượng sử dụng
có thể nhiều hơn gấp 3 lần so với heroin. Hơn nữa, nghiên cứu của chúng tôi cho
thấy ketamine được sử dụng ở mức đáng kể và có xu hướng gia tăng. Không có sự
khác biệt có ý nghĩa thống kê nào về mức tiêu thụ giữa các ngày trong tuần đối
với bất kỳ loại chất gây nghiện nào, cả hợp pháp (codeine, methadone) và bất hợp
pháp (methamphetamine, MDMA, ketamine và heroin) cho thấy ma túy chủ yếu được
tiêu thụ bởi những người sử dụng thường xuyên. Kết quả nghiên cứu đã được nhóm
nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Thị Kiều Anh (Bộ môn Hóa Phân tích và Độc chất)
công bố trên tạp chí Science of the Total Environment, một tạp chí hàng đầu
trong lĩnh vực Khoa học môi trường với chỉ số IF = 7,963 (2020).
Nghiên cứu này cung cấp những thông tin quan
trọng liên quan đến việc sử dụng ma túy ở Việt Nam, từ đó giúp hoạch định các
chính sách kiểm soát ma túy phù hợp.