CẢI TIẾN HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ TRÊN CƠ SỞ Ý KIẾN PHẢN HỒI CỦA NGƯỜI HỌC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI
(27/09/2021)
Kiểm tra đánh giá kết
quả học tập (KQHT) là một phần không thể tách rời của quá trình đào tạo. Kiểm
tra đánh giá (KTĐG) như thế nào sẽ quyết định đến cách thức và phương pháp học
và mức độ đạt chuẩn đầu ra của người học. Vì vậy, việc đổi mới phương pháp KTĐG
theo hướng tiếp cận năng lực người học tương thích với chuẩn đầu ra của chương
trình đào tạo (CTĐT) và học phần là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động đào tạo
của Nhà trường.
Nghiên cứu được tiến
hành trên 387 sinh viên năm cuối của năm học 2019 - 2020 nhằm thu thập và phân
tích kết quả phản hồi của người học về hoạt động KTĐG trong CTĐT ngành Dược học,
trình độ đại học hệ chính quy. Phản hồi của người học trên 05 nhóm nhân tố đều
cho kết quả tốt và rất tốt: việc KTĐG kết quả học tập của người học được thiết
kế phù hợp mức độ đạt được chuẩn đầu ra; các quy định về KTĐG rõ ràng, chi tiết
được phổ biến; phương pháp KTĐG đảm bảo công bằng, độ giá trị, độ tin cậy giúp
người học điều chỉnh được hoạt động học tập; phản hồi kết quả KTĐG đúng quy định
và kịp thời; phúc khảo kết quả KTĐG công bằng. Qua phỏng vấn bán cấu trúc,
nghiên cứu đã phát hiện một số vấn đề còn tồn tại trong hoạt động KTĐG của Trường:
tỷ trọng đánh giá cuối kỳ (đánh giá tổng kết) của một số học phần vẫn còn ở mức
cao, phương pháp KTĐG cuối kỳ của các học phần chủ yếu là tự luận nên chưa đánh
giá được hết năng lực cần thiết mà học phần trang bị...
Trên cơ sở đó, Nhà
trường đã thực hiện những cải tiến về hoạt động KTĐG trong năm học 2020 - 2021
theo hướng tiếp cận năng lực của người học tương thích với chuẩn đầu ra của CTĐT.
Cụ thể, Nhà trường đã từng bước đa dạng hóa các phương pháp KTĐG theo hướng tiếp
cận năng lực người học, đặc biệt các phương pháp KTĐG hoạt động thực hành,
seminar giúp hình thành kỹ năng nghề nghiệp cho người học. Đồng thời tăng tỉ trọng
đánh giá quá trình, giảm tỉ trọng đánh giá cuối kỳ và đổi mới phương pháp đánh
giá cuối kỳ.
Từ kết quả nghiên cứu,
nhóm tác giả có một số đề xuất như sau: (1) Tiếp tục đa dạng hóa các phương
pháp KTĐG nhằm đánh giá toàn diện hơn năng lực của người học thông qua việc thường
xuyên rà soát sự đóng góp vào việc đạt được chuẩn đầu ra của mỗi học phần và
chuẩn đầu ra của CTĐT. (2) Bên cạnh các phương pháp đánh giá truyền thống, việc
sử dụng phương pháp “đánh giá thực” cũng là một cách thức giúp đánh giá sự vận
dụng kiến thức, kỹ năng của người học trong việc thực hiện một nhiệm vụ thực tiễn/dự
án cụ thể. (3) Tiếp tục điều chỉnh tỷ trọng và phương pháp KTĐG, đặc biệt là đánh
giá cuối kỳ để đánh giá được sự hiểu biết đa chiều của người học cũng như sự
tích hợp, vận dụng kiến thức của người học trong mỗi học phần. (4) Với công tác
thi kết thúc các học phần, Nhà trường có thể xem xét để tổ chức hình thức thi
cuốn chiếu nhằm giúp người học giảm tải tình trạng thi dồn nhiều học phần cùng
lúc vào cuối kì. (5) Bổ sung thêm module phúc khảo (đăng ký và công bố điểm)
trong phần mềm quản lý đào tạo để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học khi
phúc khảo bài thi.
Kết quả được nhóm nghiên cứu Trường Đại học Dược Hà Nội báo cáo tại Hội nghị Đào
tạo Y Dược thường niên lần
thứ 10 được tổ chức vào ngày
24/9/2021 tại Học viện Quân Y và đạt giải Nhì báo cáo poster. Đồng thời, kết quả
nghiên cứu cũng được đăng trên Tạp chí Y Dược học quân sự, số Đặc biệt chuyên đề
Đào tạo y khoa dựa trên năng lực và chuẩn đầu ra ,tập 46, tháng 9/2021, tr
146-154.