Giới thiệu chương trình “Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu của nhà khoa học – Leaders in Innovation Fellowships”.
(13/07/2020)
Trong khuôn khổ Chương trình Newton Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa
học và Công nghệ Việt Nam (VAST) phối hợp với Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia
Anh (RAEng/Royal Academy of Engineering) mời các nhà khoa học, các nhà sáng chế
có sản phẩm sáng tạo, có tiềm năng thương mại hóa nộp hồ sơ tham gia Chương
trình đào tạo “Hỗ trợ thương mại hoá kết quả nghiên cứu của nhà khoa
học” (Chương trình “Leaders in Innovation Fellowships” - LIF).
Mục tiêu
của Chương trình là đào tạo nâng cao năng lực và tăng cường hợp tác quốc tế cho
các nhà khoa học Việt Nam trong việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Đối
tượng thụ hưởng của chương trình là các nhà nghiên cứu đang trong giai đoạn xây
dựng kế hoạch kinh doanh cho các sản phẩm sáng tạo của mình.
Chương trình LIF Việt Nam năm 2019-2020 được thiết kế gồm các giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: Đào tạo cơ bản về thương mại hóa kết quả nghiên cứu trước chuyến tập huấn tại Vương quốc Anh, do VAST thực hiện.
Giai đoạn 2: Tập huấn trong 2 tuần tại London, Vương quốc Anh cho 15 nhà sáng chế Việt Nam dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia quốc tế và sự bảo trợ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh. Khóa học sẽ cung cấp các kiến thức và kỹ năng cập nhật về mô hình kinh doanh khoa học công nghệ, phát triển và thuyết phục khách hàng, sở hữu trí tuệ, tài chính doanh nghiệp dựa trên kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp Vương quốc Anh. Các học viên cũng sẽ có cơ hội tham vấn, thực hành và kết nối với mạng lưới chuyên gia của RAEng và các nước khác tham gia Chương trình Newton Fund.
Giai đoạn 3: Các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm và kết nối tại Việt Nam cho các nhà sáng chế Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của VAST và sự công tác của các tổ chức có ứng viên tham gia.
Sáng ngày 13 tháng 7 năm 2020, trong buổi giới thiệu chương trình “Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu của nhà khoa học – Leaders in Innovation Fellowships”, phòng Quản lý Khoa học đã tổ chức buổi tọa đàm “sáng chế - hợp đồng li xăng, vai trò của Trường Đại học Dược Hà Nội trong kết nối giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp. Buổi thảo luận có sự tham gia của hơn 40 giảng viên của Nhà trường cùng Ban giám hiệu. Các thày, cô đã thảo luận sôi nổi về các chủ đề: Đổi mới sáng tạo (Innovation) trong nghiên cứu; Quyền sở hữu trí tuệ và chính sách về Tài sản trí tuệ trong các Trường đại học và cơ sở nghiên cứu; cũng như làm thế nào để các nghiên cứu, các giải pháp của các nhà khoa học trả lời được, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và bắt tay được với doanh nghiệp.
GS.TS Nguyễn Thanh Bình- Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại buổi tọa đàm
PGS.TS Đinh Thị Thanh Hải- Phó Bí thư Đảng ủy, Phó HT Nhà trường phát biểu tại buổi tọa đàm
GS.TS Nguyễn Hải Nam- Chủ tịch Hội đồng Trường phát biểu tại buổi tọa đàm
PGS.TS. Đỗ Quyên - Trưởng phòng Quản lý Khoa học phát biểu
TS. Nguyễn Văn Giang- Giảng viên Bộ môn Công nghiệp Dược phát biểu