LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA BỘ MÔN DƯỢC LIỆU
(20/07/2021)
BỘ MÔN DƯỢC LIỆU- ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI: 82 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH VÌ SỰ NGHIỆP ĐÀO TẠO (1939- 2021)
I. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP
1. Thời kỳ Pháp thuộc
Trường Đại học Dược Hà Nội xuất thân từ trường Y Khoa Đông Dương, là trường
được thành lập ngày 08/2/1902 với Hiệu trưởng đầu tiên là bác sĩ Alexandre Yersin (1863-1943). Trong những ngày đầu thành lập, chưa hình thành ban Dược nhưng nhân sự giảng dạy có ông Jacquet, Giám đốc Sở Nông nghiệp, giảng dạy môn Thực vật học; ông Duveige, Dược sĩ trưởng, giảng dạy môn Hóa học. Bác sĩ A. Yersin mong muốn những sinh viên ra trường thực sự trở thành bác sĩ điều trị cho người dân Việt Nam, thuộc tầng lớp tri thức cao cấp cho xã hội, không chỉ là các y sĩ phụ việc cho bác sĩ người Pháp.
Năm 1941, trường Y Dược thực hành được công nhận là trường Đại học Y Dược Đông Dương.
Môn Dược liệu là một trong những môn học chính của trường. Theo lời kể của DS. Hoàng Xuân Hà (khóa 1933- 1938), trong thời gian này, giáo viên giảng dạy môn Dược liệu là De Fenis de Lacombe. Những năm đầu, bộ môn Dược liệu chưa được hình thành. Sau này, ngày 08/6/1939, theo Nghị định của Toàn quyền J. Brévié, Bộ môn Dược liệu- Dược lý được thành lập với chủ nhiệm là Giáo sư Franck Guichard.
Năm 1940, Bộ môn Dược liệu được tách khỏi bộ môn Dược lý để thành bộ môn độc lập, chủ nhiệm là Giáo sư F. Guichard. Các xét nghiệm viên là J. Clemansat và Cao Triều Liêm.
Năm 1942, giáo sư P. Bonnet được bổ nhiệm là chủ nhiệm bộ môn Dược liệu thay thế giáo sư F. Guichard, xét nghiệm viên là Chương Văn Vĩnh.
2. Thời kỳ 1945- 1954
Sau cách mạng tháng 8 (1945), dưới chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Bộ giáo dục quyết định khai giảng một số trường Đại học, trong đó có trường Đại học Y Dược Việt Nam.
Theo lời kể của ông Phạm Xuân Cù thì Dược sĩ Nguyễn Tiến Quang là chủ nhiệm Bộ môn Dược liệu cho đến trước ngày toàn quốc kháng chiến.
Ngày 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến. Đất nước ta chia làm 2 vùng: vùng tự do và vùng tạm chiếm.
Tại vùng tự do, trường Đại học Y Dược Việt Nam sơ tán lên Chiến khu Việt Bắc: Ban Y đóng ở Tuyên Quang, còn Ban Dược đóng ở Thái Nguyên. Trong những năm đầu của kháng chiến, cụ Đặng Đức Dục giảng dạy môn Vi học thực vật là môn cơ sở cho môn Dược liệu.Ở vùng tạm chiếm, chính quyền thực dân Pháp tổ chức lại trường Đại học Y Dược ở phố Bobollot (nay là phố Lê Thánh Tông) Hà Nội. Năm 1948, Bộ môn Dược liệu hoạt động trở lại. DS. André Foucaud được bổ nhiệm là chủ nhiệm bộ môn. Giáo viên giảng dạy thực tập là Dược sĩ đồng thời là Cử nhân khoa học Vũ Văn Chuyên.
3. Thời kỳ sau hòa bình lập lại (1954) đến nay
Sau khi hiệp định Giơ- ne- vơ được ký kết (1954), trường Đại học Y Dược Việt Bắc về tiếp quản cơ sở 13 Lê Thánh Tông Hà Nội.
Năm 1956, Ban Dược được hình thành với 6 bộ môn trong đó có bộ môn Dược liệu. Giảng viên Dược sĩ Đỗ Tất Lợi được bổ nhiệm là chủ nhiệm bộ môn, Giảng viên Dược sỹ Vũ Văn Chuyên là phó chủ nhiệm.
Ngày 29/9/1961, trường Đại học Y Dược được chia tách thành 2 trường: Trường Đại học Y khoa và trường Đại học Dược khoa.
Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc nước ta.
Tình hình chiến tranh ngày một gay go ác liệt. Ta đánh mạnh ở miền Nam. Nhu cầu về dược sĩ phát triển trong đó có nhu cầu dược sĩ chuyên khoa Dược liệu. Để phù hợp với tình hình mới, ngày 29/1/1965, trường Đại học Dược khoa ra quyết định số 64/DK- TCCB tách bộ môn Dược liệu- Thực vật thành 2 bộ môn: Bộ môn Dược liệu và Bộ môn Thực vật. Dược sỹ Đỗ Tất Lợi là chủ nhiệm bộ môn Dược liệu. Dược sỹ Vũ Văn Chuyên là chủ nhiệm bộ môn Thực vật.
Ngày 06/9/1967, theo quyết định số 247/DK- TC của Ban giám hiệu, trường Đại học Dược Hà Nội chia thành 5 khoa, trong đó có khoa Dược liệu. Chủ nhiệm khoa là Dược sĩ Đỗ Tất Lợi, các phó chủ nhiệm khoa là: TS. Nguyễn Văn Đàn, DS. Đinh Đức Tiến, Ông Trần Quốc Bảo.
Khoa Dược liệu gồm 3 bộ môn:
1- Bộ môn Nuôi- Trồng Dược liệu do DS. Trần Văn Thanh phụ trách.
2- Bộ môn Chế biến Dược liệu do DS. Nguyễn Thị Cảnh phụ trách.
3- Bộ môn Kiểm nghiệm dược liệu do DS. Ngô Văn Thu phụ trách và sau này (1969) do DS. Vũ Ngọc Lộ phụ trách.
Các sinh viên được phân vào các khoa từ năm thứ 4.
Tổ chức khoa Dược liệu chỉ tồn tại một thời gian ngắn.
Năm 1971, theo quyết định số 453/DK do Hiệu trưởng trường Đại học Dược khoa ký, 3 bộ môn nói trên được sát nhập lại thành 1 bộ môn là Bộ môn Dược liệu do Dược sĩ Vũ Ngọc Lộ phụ trách.
Ngày 17/5/1977, theo quyết định số 547/BYT- QĐ, Bộ trưởng Bộ Y tế ký Dược sĩ Vũ Ngọc Lộ được chính thức bổ nhiệm là chủ nhiệm bộ môn Dược liệu. Bộ môn Dược liệu gồm 3 tổ:
- Tổ nuôi trồng dược liệu
- Tổ chế biến dược liệu
- Tổ kiểm nghiệm dược liệu
Năm 1973, Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi được bổ nhiệm là Trưởng đơn vị nghiên cứu tinh dầu.
Năm 1985, Tiến sĩ Phạm Thanh Kỳ được bổ nhiệm là Phó trưởng bộ môn Dược liệu.
Năm 1993, tổ chế biến dược liệu được tách khỏi Bộ môn Dược liệu và thành tổ môn Dược học cổ truyền trực thuộc Ban giám hiệu của trường (Quyết định số 99/DHN- QĐ, do Hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội ký ngày 6/4/1990).
Năm 1995, bộ môn Dược liệu không còn phân chia thành 2 tổ công tác. Trong năm đó, Giáo sư Vũ Ngọc Lộ nghỉ hưu. Cũng trong năm 1995, Giáo sư Tiến sĩ Phạm Thanh Kỳ được bổ nhiệm là chủ nhiệm Bộ môn và TSKH. Trần Văn Thanh là Phó chủ nhiệm bộ môn.
Việc tổ chức bộ môn Dược liệu có phát triển, song trong quá trình phát triển có nhiều mò mẫm, xa thực tế, nên có thời gian lại phình ra, có thời gian lại co lại.
II. Công tác đào tạo
1. Đối tượng đào tạo
1.1. Đối tượng đào tạo đại học
Thời Pháp thuộc cũng như ở thời kỳ từ sau Cách mạng tháng 8 (1945) đến những năm đầu của thời kỳ hòa bình được lập lại sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp (1954), Ban Dược trường Đại học Y Dược, sau này là trường Đại học Dược Khoa có nhiệm vụ đào tạo Dược sĩ đa khoa để công tác chủ yếu ở khoa Dược bệnh viện hay ở các Hiệu thuốc.
Sau khi hòa bình được lập lại, Nhà nước ta có nhấn mạnh phương châm là “Tự túc thuốc men từ nguyên liệu trong nước”, là “kết hợp đông tây y” (sau này là “kết hợp Y học hiện đại với Y học cổ truyền”), là “kết hợp học với hành”. Những năm sau này, chủ trương này còn được phát triển lên là xây dựng ngành dược thành ngành khép kín từ khâu tạo nguồn nguyên liệu (khai thác thiên nhiên, trồng trọt cây thuốc, tổng hợp thuốc) đến khâu bào chế thuốc, kinh doanh và phân phối thuốc.
Từ đó, nhiệm vụ của Bộ môn Dược liệu là giảng dạy môn Dược liệu cho các dược sĩ đa khoa, đồng thời song song có giảng dạy môn Dược liệu và các môn có liên quan cho các dược sĩ sau này sẽ công tác tại các cơ sở dược có đòi hỏi nghiệp vụ về dược liệu sâu hơn.
Trong niên khóa (1978- 1979), Bộ môn Dược liệu có thêm nhiệm vụ là đào tạo kỹ sư dược liệu có khả năng trồng trọt cây thuốc, chế biến cây thuốc. Sau quá trình đào tạo thí điểm trong 3 năm, nhiệm vụ này không phù hợp và được xóa bỏ.
Tháng 8/1983, theo phương hướng chung của ngành dược, Bộ Y tế quyết định xóa bỏ đào tạo chuyên khoa sơ bộ dược liệu trong đại học, mà giao cho Trường Đại học Dược Hà Nội là đào tạo dược sĩ đa khoa. Việc đào tạo chuyên khoa dành cho sau đại học.
1.2. Đối tượng đào tạo sau đại học
Để đáp ứng nhu cầu về trình độ cán bộ trong ngành với mức độ cao hơn, Bộ đại học và Trung học chuyên nghiệp và Bộ Y tế giao cho trường Đại học Dược Hà Nội nhiệm vụ đào tạo sau đại học. Bộ Y tế giao nhiệm vụ đào tạo Dược sĩ chuyên khoa cấp 1, Dược sĩ chuyên khoa cấp 2. Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp giao nhiệm vụ đào tạo Tiến sĩ dược học. Việc đào tạo sau đại học được tiến hành bắt đầu từ thập kỷ 70.
Hai hệ thống đào tạo này có khác nhau tùy theo nhiệm vụ công tác sau này của cán bộ. Dược sĩ chuyên khoa cấp 1 và Dược sĩ chuyên khoa cấp 2 cần được rèn luyện tay nghề chuyên sâu để phục vụ cho các cơ sở y tế thực hành. Dược sĩ chuyên khoa cấp 2 phát đạt trình độ cao hơn Dược sĩ chuyên khoa cấp 1. Các Tiến sĩ dược học cần có kiến thực, lý luận chuyên sâu để phục vụ cho các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Để đáp ứng yêu cầu thực tế của ngành, những năm đầu Bộ Y tế xét công nhận đặc cách các Dược sĩ chuyên khoa cấp 1 và 2. Song song với công việc nói trên, trường Đại học Dược Hà Nội đào tạo Tiến sĩ dược học.
Dược sĩ chuyên khoa cấp 2 về Dược liệu đầu tiên được công nhận là DS. Đỗ Huy Bân (1974). Tiến sĩ dược học chuyên ngành Đông dược và thuốc nam ( Dược liệu) đầu tiên là Boun Hoong (1986).
2. Kết quả đào tạo
2.1. Đào tạo đại học
Đã tham gia đào tạo đến 20/11/1996:
- Dược sĩ Đông dương : 19 người
- Dược sĩ Hạng nhất : 32 người
- Dược sĩ Đại học : 6415 người (tính từ 1950 đến ngày 20/11/1996).
- Đã đào tạo các dược sĩ chuyên khoa sơ bộ về dược liệu được 349 người.
- Đã giảng dạy môn Dược liệu cho các trường Đại học khác:
+ Trường đại học Quân Y: 7 khóa hệ dài hạn và 3 khóa chuyên tu.
+ Trường đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh: 2 khóa (1977, 1979)
+ Trường đại học Y Hà Nội: 1 khóa chuyên đề (1975)
+ Trường đại học Y Dược Phnom Penh (Campuchia): 1 khóa (1981)
+ Trường cán bộ quản lý y tế: 2 khóa (1982, 1983).
2.2. Đào tạo trên đại học
- Dược sĩ chuyên khoa cấp 1 : 4 người
- Dược sĩ chuyên khoa cấp 2 : 12 người
- Trợ lý giảng dạy và nghiên cứu khoa học : 2 học viên.
- Thực tập sinh : 2 dược sĩ Campuchia
- Tiến sĩ dược học : 15 người.
- Đào tạo cho các trường khác:
+ Dược sĩ chuyên khoa cấp 1: nhiều khóa cho trường ĐH Quân Y.
+ Thạc sĩ Dược học: 1 khóa cho trường ĐH Quân Y.
Chú thích:
Trong số Tiến sĩ Y Dược do Bộ môn Dược liệu đào tạo có 2 dược sĩ nước ngoài (1 Lào, 1 Campuchia)
Sau khi về nước, Tiến sĩ Lào Boun Hoong được bổ nhiệm là Viện trưởng Viện Dược liệu Lào (Sau là Viện Y Dược học cổ truyền Lào), công nhận là Tiến sĩ khoa học và phong Giáo sư).
3. Biên soạn tài liệu
3.1. Giáo trình
3.1.1. Đỗ Tất Lợi. Dược liệu học và các vị thuốc Việt Nam
Bộ sách được in lần thứ Nhất (1956) và được tái bản 2 lần (1963, 1970). Với lần in thứ 3, có thêm cộng tác viên là Ngô Văn Thu.
3.1.2. Vũ Ngọc Lộ, Ngô Văn Thu, Phạm Thanh Kỳ, Nguyễn Thị Tâm- Bài giảng Dược liệu, 2 tập (1980, 1982).
3.1.3. Thực tập dược liệu
Sau khi in lần thứ 1, được tái bản 3 lần.
3.1.4. MCS. Vũ Ngọc Lộ, Pharmacognosie (lý thuyết) (tiếng Pháp) dùng cho sinh viên trường Đại học Y Dược Phom Penh (1981).
3.1.5. Dr. Nguyễn Thị Tâm et MCS. Vũ Ngọc Lộ. Travaux pratiques de pharmacognosie (tiếng Pháp) dùng cho sinh viên trường Đại học Y Dược Phnom Penh (1981).
3.2. Các tài liệu tham khảo
3.2.1. Đỗ Tất Lợi. Sổ tay dùng thuốc (Xuất bản 2 lần: 1956, 1957)
3.2.2. Đỗ Tất Lợi, Đỗ Xuân Hợp. Sổ tay dùng thuốc và chữa bệnh (Xuất bản 2 lần: 1957, 1958)
3.2.3. Đỗ Tất Lợi. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, xuất bản 14 lần (2009)
Với bộ sách này, tác giả đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh.
3.2.4. Vũ Ngọc Lộ. Những tinh dầu lấy từ cây thuốc Việt Nam, 1971.
3.2.5. Vũ Ngọc Lộ. Những cây tinh dầu quý, 1977.
3.2.6. Vũ Ngọc Lộ, (cộng tác viên). Tài nguyên cây thuốc, 1993.
3.2.7. Vũ Ngọc Lộ, Đỗ Chung Võ, Nguyễn Mạnh Pha, Nguyễn Thúy Hạnh. Những cây tinh dầu Việt Nam, 1996.
3.3. Những tài liệu dịch
3.3.1. Đỗ Tất Lợi. Con ong- người dược sĩ có cánh, 1971.
3.3.2. Vũ Ngọc Lộ. Giản yếu dược liệu học, 1977.
3.3.3. Nguyễn Đức Doanh, Trần Văn Thanh, Phạm Xuân Sinh. Thực hành các hợp chất tự nhiên, 1976.
3.3.4. Nguyễn Hoàng, Nguyễn Thị Ngọc Dung. Cây trồng làm thuốc, 1976.
3.3.5. Phạm Xuân Sinh (Phạm Xuân Cù hiệu đính). Tập hợp những kinh nghiệm bài thuốc trung dược, 1978.
3.3.6. Phạm Xuân Sinh. Sử dụng dược liệu, 1978.
III. Những hoạt động khác
Bộ môn Dược liệu tổ chức nhiều đợt đưa sinh viên đi thực tế nhằm gắn liền công tác giảng dạy của thầy, cô và học tập của sinh viên với thực tế ngành nghề và phục vụ theo yêu cầu của địa phương.
1. Đưa sinh viên đi thực tế ngành nghề
1.1. Điều tra dược liệu tỉnh Hòa Bình (Xuân Mai, Kỳ Sơn, Mai Châu) 1 tháng, 1963. Người hướng dẫn: DS. Vũ Ngọc Lộ.
1.2. Điều tra dược liệu tỉnh Nghệ An 1 tháng, 1963. Người hướng dẫn: DS. Trần Công Khánh.
1.3. Điều tra dược liệu ở Cao Bằng 1 tháng, 1964. Người hướng dẫn: Đỗ Tất Lợi, Đinh Đức Tiến, Vũ Ngọc Lộ)
1.4. Điều tra dược liệu ở Lào Cai 1 tháng, 1967. Người hướng dẫn: Đỗ Tất Lợi, Ngô Văn Thu, Phạm Thanh Kỳ.
1.5. Điều tra dược liệu ở Hòa Bình 1 tháng, 1968. Người hướng dẫn: Đỗ Tất Lợi, Ngô Văn Thu.
1.6. Điều tra dược liệu ở Hòa Bình (Tân Lạc) 1 tháng, 1969. Người hướng dẫn: DS. Vũ Ngọc Lộ.
1.7. Điều tra dược liệu ở Lạng Sơn 1 tháng, 1969. Người hướng dẫn: DS. Hoàng Mại.
1.8. Điều tra dược liệu ở Hà Giang (huyện Xín Mần). Người hướng dẫn: DS. Phạm Văn Khiển.
1.9. Điều tra dược liệu ở Quảng Nam- Đà Nẵng 1 tháng, 1976. Người hướng dẫn: DS. Vũ Ngọc Lộ, DS. Nguyễn Hoàng, DS. Đổng Việt Thắng.
2. Đưa sinh viên đi phục vụ chiến đấu tại Nghệ An 1 tháng, 1965. Người hướng dẫn: DS. Ngô Văn Thu, DS. Nguyễn Thị Tâm.
3. Đưa sinh viên đi phục vụ chiến đấu kết hợp với giảng dạy tại 3 huyện ở Hà Tây 1 học kỳ, 1972. Người hướng dẫn: DS. Vũ Ngọc Lộ, DS. Ngô Văn Thu, DS. Hoàng Mại.
4. Đưa sinh viên đi khắc phục hậu quả lũ lụt 2 tháng, 1971 tại Tiên Sơn, Hà Bắc. Người hướng dẫn DS. Vũ Ngọc Lộ, DS. Ngô Văn Thu, DS. Hoàng Mại.
Đưa sinh viên đi khắc phục hậu quả cơn bão số 9 tại Nghệ An 1 tháng 1979. Người hướng dẫn: DS. Phạm Xuân Sinh.
5. Đưa sinh viên đi khảo sát cây Canh- ki- na ở Lâm Đồng 1 tháng 1979. Người hướng dẫn: Cử nhân Nguyễn Hoàng.
6. Xây dựng phong trào thuốc nam tại xã tại nhiều xã ở Hà Nội, Hà Tây cũ và Hải Phòng (nhiều năm).
Nhận xét
1. Các năm từ 1939- 1995 là khoảng thời gian tương đối dài, bao gồm thời kỳ Pháp thuộc, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ sau này. Việc biên soạn tài liệu được tiến hành trong hoàn cảnh có nhiều sự kiện xảy ra, nhiều nhân vật có liên quan đã qua đời.
Nhận xét đầu tiên toát lên là giảng dạy gắn liền với thực tế ngành nghề. Nhiều cơ quan có nhu cầu về dược sĩ và đào tạo dược sĩ. Thời kỳ đất nước mới giải phóng (1954), ta tiếp thu việc giảng dạy do Pháp để lại, phải biên soạn lại giáo trình cho phù hợp với thực tế. Điều đầu tiên phải nói là dưới thời Pháp thuộc việc giảng dạy được tiến hành bằng tiếng Pháp, nội dung giảng dạy mang nhiều sắc thái nước ngoài. DS. Đỗ Tất Lợi đã bỏ nhiều công sức để Việt Nam hóa, dân tộc hóa giáo trình và cải tiến phương pháp giảng dạy để lại nhiều kinh nghiệm quý báu.
2. Những năm sau, nhiều cơ sở có nhu cầu đào tạo dược sĩ. Có thời gian, nhà nước cho phép trường Đại học Quân Y được phép đào tạo dược sĩ Đại học (1969- 1972). Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng (1977), khoa Dược trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh cần khôi phục lại việc giảng nhưng lại không có đủ cán bộ giáo. Cũng sau khi nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được giải phóng, trường Đại học Y Dược Phnom Penh cần đào tạo Dược sĩ đại học, nhiều cơ quan khác (Đại học Y Hà Nội, Đại học Nông nghiệp I…) cần các chuyên đề về dược liệu để bổ túc kiến thức cho sinh viên. Bộ môn dược liệu đã cử cán bộ đóng góp cho nhu cầu này.
Bộ môn Dược liệu tổ chức nhiều cuộc điều tra dược liệu. Đây là dịp cán bộ ta nhận biết được nhiều cây thuốc, tìm hiểu được công dụng cây thuốc, lập được danh mục cây thuốc để phục vụ cho địa phương. Điển hình là cuộc điều tra dược liệu lớn (1967) do Bộ Y tế đứng ra tổ chức và bộ môn Dược liệu làm nòng cốt, mở đầu cho cuộc điều tra sau này cho cả nước. Đáp ứng yêu cầu này, bộ môn Dược liệu tổ chức nhiều đợt điều tra dược liệu theo yêu cầu của nhiều địa phương.
3. Trong nhiều năm liền, Bộ Y tế phát động phong trào Thuốc nam tại xã nhằm góp phần tự túc thuốc men đi từ tuyến cơ sở. Bộ môn đã cử nhiều đoàn đi thực tế ở nhiều xã ở Hà Nội, Hải Hưng và thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
4. Một đợt đi thực tế lớn kéo dài 1 học kỳ là thầy và trò đi các xã ở 6 huyện thuộc Hà Tây cũ vào thời kỳ địch đánh phá ác liệt, ném bom trải thảm miền Bắc (1972) trước khi đi đến ký kết hiệp định Paris (1973). Hai nhiệm vụ được giao là:
- Phục vụ chiến đấu theo yêu cầu địa phương như pha chế thuốc…
- Giảng dạy cho thầy và học tập dược liệu cho sinh viê tại địa phương là nơi thực tế.
Kết quả cả 2 nhiệm vụ nói trên được hoàn thành xuất sắc, an toàn.
IV. Khen thưởng
1. Bộ môn Dược liệu được công nhận là Tổ lao động XHCN 4 năm liền (1973, 1974, 1975, 1976).
2. Nhà giáo ưu tú:
- GS. Đỗ Tất Lợi (1990)
- PGS. Vũ Ngọc Lộ (1992)
- PGS. Phạm Thanh Kỳ (1992)
3. Năm 1968, Hội đồng khoa học của Viện hóa dược Leningrad đã họp đánh giá hoạt động của DS. Đỗ Tất Lợi và đặc cách phong tặng học vị Tiến sĩ khoa học cho DS. Đỗ Tất Lợi.
4. Giải thưởng Hồ Chí Minh: GS. TS. Đỗ Tất Lợi
Những năm sau, theo quyết định số 991/KT- CTN do Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký ngày 10/9/1996, GS. TS. Đỗ Tất Lợi, tác giả công trình “ Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Năm 1983, Bộ sách được nhận xét là một trong 7 viên ngọc của Biển sách ở Hội chợ sách quốc tế Matxcơva.
Tính đến năm 2009, bộ sách đã được tái bản 14 lần.
5. Trong số xét nghiệm viên của bộ môn từ trước đến nay có 2 người đáng biểu dương, là ông Bùi Đình Sang và ông Phạm Xuân Cù. Mỗi người một vẻ, ông Bùi Đình Sang có trình độ cao, đầu óc thực tế, có khả năng nghiên cứu chuyển các công trình từ quy mô phòng thí nghiệm sang quy mô sản xuất lớn phục vụ cho nhu cầu của ngành. Ông Phạm Xuân Cù có trình độ cao, thông thạo 2 ngoại ngữ (Pháp văn và Trung văn), có khả năng biến các ý tưởng của thủ trưởng thành các công trình khoa học phục vụ cho đào tạo và khoa học.
Những đóng góp vì sự nghiệp đào tạo của Bộ môn Dược liệu là đáng trân trọng. Nhiều hoạt động có ý nghĩa thực tế cao lại có ý nghĩa mở đường cho các công trình sau này.
***
PHỤ LỤC
Danh sách các tiến sĩ dược học do Bộ môn Dược liệu đào tạo
(Tính đến 2021)